Chưa có kế hoạch chi gần 50 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế ở Lào Cai

(PLVN) -  Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền trồng rừng thay thế (TRTT) chưa có kế hoạch sử dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là trên 48,9 tỷ đồng.
Ảnh minh họa: Thanh Nam

UBND tỉnh Lào Cai mới có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT về kết quả TRTT chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn từ năm 2018 đến nay.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 121 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR) sang mục đích khác với tổng diện tích 973,13 ha. Trong đó, 22 dự án CMĐSDR để xây dựng dự án thủy điện, 22 dự án CMĐSDR để xây dựng dự án kinh doanh và 77 dự án CMĐSDR để xây dựng dự án công cộng; tương đương với tổng kinh phí TRTT là 65,5 tỷ đồng. Tổng số tiền TRTT chưa có kế hoạch chi là 48,964 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, thời gian qua, công tác TRTT trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, vào cuộc chỉ đạo tích cực của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành của tỉnh.

TRTT đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ nguồn nước khu vực đầu nguồn, đảm bảo cân bằng sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh hết năm 2023 đạt 58,5%. Đồng thời, việc TRTT được sự đồng thuận của người dân, tạo công ăn việc làm mới, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận người dân sống gần rừng, nhờ đó nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng của người dân địa phương.

Tuy nhiên, công tác TRTT chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng so với tiến độ và kinh phí còn tồn tại quỹ.

Một số diện tích trồng rừng thay thế có vị trí cao và xa, thời tiết khí hậu khắc nghiệt nên tỷ lệ cây sống chưa cao, cây sinh trưởng phát triển chậm. Ngoài ra việc người dân thả rông gia súc làm gãy, chết, dẫn đến phải trồng dặm nhiều lần.

Về nguyên nhân khách quan, UBND tỉnh Lào Cai đánh giá, diện tích đất trống quy hoạch phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn hiện nay chủ yếu là núi đá, cao, xa, manh mún, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đi lại khó khăn; Đất quy hoạch cho trồng rừng phòng hộ nhưng thực tế được giao cho bà con canh tác sử dụng vào mục đích trồng cây nông nghiệp... nên việc vận động người dân tham gia rất khó khăn.

Nguyên nhân chủ quan do công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện của một số địa phương, chủ đầu tư chưa sâu sát. Việc xây dựng hồ sơ thiết kế ở một số diện tích không sát với thực tế. Việc chăm sóc không đạt yêu cầu, bên cạnh đó thực bì vào mùa mưa phát triển nhanh, lấn át cây trồng.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa thường xuyên kiểm tra giám sát hộ nhận khoán trồng, chăm sóc rừng trồng. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và chính quyền xã trong việc tổ chức thực hiện trồng rừng theo kế hoạch được giao.

Vẫn còn xảy ra tình trạng thả rông gia súc trong khu vực rừng trồng đây là nguyên nhân lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng hiện nay.

Quy định về thanh lý rừng trồng không thành rừng chưa được ban hành nên một số diện tích rừng trồng không thành rừng (do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng...) cần thanh lý để có quỹ đất cho trồng rừng thay thế nhưng chưa có cở sở để thực hiện.

Đọc thêm