Chưa ghi nhận ca cúm A H5N1, TP HCM cảnh báo nguy cơ xâm nhập từ chợ đầu mối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) Lê Hồng Nga, đến nay, TP HCM chưa ghi nhận thêm ca bệnh liên quan đến cúm A H5N1.
Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của TP HCM, Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga cho biết, cúm gia cầm H5N1 được đánh giá là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Theo phân loại bệnh của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, cúm này thuộc nhóm A, tức bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Do đó, phải luôn có tinh thần phòng chống với dịch cúm này.

Ngay khi Viện Pasteur có văn bản cảnh báo về 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao tại tỉnh Prey Veng, Campuchia (tỉnh có đường biên giới với Việt Nam), Sở Y tế TP HCM đã có văn bản chỉ đạo cho tất cả các cơ quan, ban ngành chủ động ứng phó.

"Thành phố từng ghi nhận 4 ca bệnh cúm A (H5N1) năm 2004, từ đó đến nay không phát hiện thêm ca nào. Mới đây vào tháng 10/2022 có 1 ca tại tỉnh Phú Thọ. Cúm A (H5N1) chưa được coi là bệnh lưu hành ở thành phố", bà Lê Hồng Nga nói.

Theo Phó Giám đốc HCDC TP HCM nhận định, thành phố là nơi tập trung nhiều chợ đầu mối thu mua gia cầm từ nhiều tỉnh, nên phải luôn cảnh giác cao nguy cơ xâm nhập cúm gia cầm H5N1.

Trước đó, ngày 2/3, HCDC đã tổ chức buổi tập huấn nhằm mục tiêu tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, qua đó chủ động đáp ứng, xử lý dịch kịp thời không để dịch cúm lây lan trong cộng đồng.

Tỉnh Prey Veng hiện đang là vùng có dịch có vị trí địa lý giáp với 3 tỉnh của Việt Nam. Ảnh: HCDC

Tỉnh Prey Veng hiện đang là vùng có dịch có vị trí địa lý giáp với 3 tỉnh của Việt Nam. Ảnh: HCDC

Tại Việt Nam, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thuận lợi cho sự phát triển dịch bệnh cúm ở gia cầm. Đồng thời các lễ hội sau Tết nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức khiến hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Điều này khiến tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cúm ở gia cầm và nguy hiểm hơn là sự lây nhiễm từ gia cầm sang người.

Lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức cần thiết như: dấu hiệu nhận biết đàn gia cầm bị mắc cúm, dịch tễ cúm A (H5N1) cũng như hướng dẫn các chỉ số cần giám sát trong cộng đồng và quy trình xử lý nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Một số dấu hiệu nhận biết gia cầm bị mắc cúm H5N1. Ảnh: HCDC

Một số dấu hiệu nhận biết gia cầm bị mắc cúm H5N1. Ảnh: HCDC

Lớp tập huấn được phát sóng trực tuyến trên kênh Youtube HCDC để nhân viên y tế có thể tiếp cận nhiều hơn và xem lại khi cần. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chuẩn bị nhằm chủ động phòng chống cúm A (H5N1) của thành phố Hồ Chí Minh.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo :

Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Đọc thêm