Chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

(PLVN) - Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẳng thắn cho biết hiện chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện bảo hiểm y tế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2020, tổng thu BHYT là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó tiền đóng BHYT ước thực hiện là 108.485 tỷ đồng tăng 301 tỷ đồng so với năm 2019.

Tổng chi cho công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2020 là 99.730 tỷ đồng (số này chưa bao gồm 3.668 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán năm 2020), trong đó chi KCB BHYT là 98.525 tỷ đồng và chi chăm sóc sức khỏe ban đầu 1.104 tỷ đồng, cao hơn số được phép chi cho KCB BHYT theo quy định (90% tổng thu BHYT tương đương với 97.636,5 tỷ đồng) hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến chi phí quản lý quỹ năm 2020 là 4.101 tỷ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu BHYT, giảm so với năm 2019.

Chênh lệch thu và chi quỹ BHYT là + 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường. Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng BHYT là 25.745 tỷ đồng, theo dự toán, chênh lệch thu chi năm 2021 là + 3,829 tỷ đồng, tăng 111,6% so với năm 2020.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như mức đóng BHYT của nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi đó, nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT và mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng ngân sách Nhà nước chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương. Đặc biệt, chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở KCB, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.

Để giải quyết tình trạng trên, bà Thúy Anh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 68 làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; nâng mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu từng bước chuyển chi hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho cơ sở KCB sang chi hỗ trợ cho người dân thông qua BHYT.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc chuyển kinh phí mua BHYT cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ; cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng; chỉ đạo Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế sử dụng quỹ KCB BHYT có hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định; có giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...

Hoạt động tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT được thực hiện cơ bản theo đúng quy định. Năm 2020, Chính phủ tiếp tục áp dụng phương thức giao dự toán chi phí KCB BHYT đến cơ sở KCB như là một giải pháp chủ động trong kiểm soát chi KCB BHYT. Đã giải quyết được nhiều trường hợp treo quyết toán chi phi KCB BHYT với tổng số tiền trên 10 nghìn tỷ đồng.

Đọc thêm