Chồng ngoại tình, ly hôn hay tha thứ?
Khi chị Hà Thanh (Quảng Ninh) mang bầu bé thứ 2 thì chồng ngoại tình và mang bệnh tình dục về lây cho vợ. Chị vô cùng đau đớn, đòi chia tay nhưng chồng xin tha thứ và hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Vì vẫn còn yêu chồng rất nhiều, chị đã đồng ý bỏ qua, tiếp tục hôn nhân. Đi chữa căn bệnh bị lây từ chồng, bác sĩ nói nếu xử lý bệnh mà tiêm thuốc mê thì sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế, chị đã chấp nhận không dùng thuốc mê. Nỗi đau thể chất và tinh thần ấy đi sâu vào tâm thức của chị. Sau này, chồng chị đã thay đổi rất nhiều, chí thú làm ăn và yêu thương vợ con để bù đắp cho lỗi lầm cũ, song tình cảm chị dành cho chồng mãi mãi không thể được như xưa.
Tìm đến chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) để xin tư vấn, chị tâm sự: “Em cố gắng tha thứ cho chồng nhưng không làm được. Mỗi lần nghĩ đến chuyện anh ấy ngoại tình, em lại uất ức không ngủ được, nằm khóc một mình. Ngày trước, hai vợ chồng cãi nhau, em thường cố nhịn rồi chủ động làm lành. Còn từ ngày chồng ngoại tình, mỗi lần cãi cọ em cũng mặc kệ luôn, cho mọi chuyện muốn đến đâu thì đến”.
Nỗi ám ảnh bị phản bội còn khiến chị luôn muốn kiểm soát chồng. Chồng đi uống cà phê chị cũng phải để ý xem đi với ai. Chồng đi công tác 1 - 2 ngày, chị âm thầm điều tra xem có đúng là đi công tác không. Chồng tuyển nhân viên nữ, chị phải đến tận công ty xem nhân viên bao nhiêu tuổi, có trẻ trung không, có chồng hay chưa. Rồi hễ thấy chồng nói chuyện vui vẻ với người phụ nữ nào đó, chị cũng cảm thấy ấm ức, bất an, nghi ngờ…
Không giống chị Thanh, khi phát hiện chồng ngoại tình, chị Hoàng Phương (Hà Nội) đã kiên quyết ly hôn. Thế nhưng đến nay đã 2 năm, chị vẫn chưa thể trở về cuộc sống bình thường. Chia sẻ với chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, chị buồn bã: “Em chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc chồng ngoại tình. Thế nên khi mới phát hiện anh ấy có bồ, em dường như phát điên, gào khóc, đập phá đồ đạc, đêm nào cũng mất ngủ vì ấm ức. Ly hôn rồi, em nghĩ mình có thể tìm lại giấc ngủ ngon nhưng không phải. Gần 2 năm qua, em mất ngủ triền miên, nhiều đêm nghĩ về chuyện cũ em lại khóc. Đôi khi con trai em có hành vi gì đó khiến em liên tưởng đến chồng cũ là em lại không kiểm soát được cảm xúc, nổi nóng, quát mắng con”.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý, thường xuyên tổ chức các chương trình online miễn phí giúp phụ nữ biết cách gìn giữ hạnh phúc gia đình, cô đã lắng nghe tâm sự và tham vấn cho nhiều trường hợp bị chồng phản bội.
Tâm trạng của chị em khi biết chồng ngoại tình thường đan xen rất nhiều cảm xúc, buồn bã, tức giận, đau đớn, phẫn uất… Không thể chịu đựng nỗi đau phản bội, nhiều chị em chọn cách ly hôn. Thế nhưng, có người đã ly hôn vài năm, thậm chí 10, 20 năm mà vẫn mang trong mình nỗi đau cũ. Người thì mất niềm tin vào đàn ông, sau này không thể mở lòng với bất kỳ ai khác. Cũng có người sau một thời gian đã lập gia đình mới nhưng hôn nhân không hạnh phúc.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh mong chị em sớm vượt qua nỗi đau bị phản bội. |
Có chị em không chọn ly hôn mà chấp nhận tha thứ, buông bỏ quá khứ để tiếp tục xây đắp hôn nhân. Nhưng từ tha thứ nói thì dễ, thực hiện mới khó. Đa số đều bị “mắc kẹt”, muốn quên nhưng tâm trí luôn nhớ, thỉnh thoảng chị em lại đay nghiến, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của chồng, hoặc luôn sống trong thấp thỏm, bất an, lo chồng “ngựa quen đường cũ”.
Ngoài ra, cũng có những chị em không chấp nhận tha thứ, cũng không ly hôn. Họ chọn duy trì hôn nhân vì thể diện bản thân hoặc muốn con cái có một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Hai vợ chồng vẫn sống chung nhà nhưng đối xử với nhau thờ ơ, lạnh nhạt.
“Tôi từng tư vấn cho một chị phát hiện chồng ngoại tình từ khi con trai 1 tuổi, đến nay hai vợ chồng vẫn sống chung được 5 năm. Chị ấy bảo mình chỉ đang sống giả vờ, sống vì con. Đối với chồng, chị không còn tình yêu, cũng không còn tôn trọng, chỉ còn khinh bỉ, chán ghét nhưng trước mặt con, chị vẫn cố gắng để đối xử bình thường. Chị dự định khi con 18 tuổi thì sẽ “đường ai nấy đi” với chồng”, cô Lanh kể.
Làm sao để vượt qua nỗi đau chồng phản bội?
Theo chuyên gia tâm lý Lanh, để vượt qua nỗi đau bị phản bội không dễ. Không phải nói tha thứ là có thể quên, không phải ly hôn là đã hoàn toàn buông bỏ. Ly hôn trong trạng thái uất hận, muốn tha thứ nhưng vẫn ấm ức - đó chỉ là chị em đang cố gồng lên để chống chọi nỗi đau, chứ chưa hề vượt qua được tình huống chồng ngoại tình.
Với những người cố gắng duy trì cuộc hôn nhân không tình yêu vì thể diện, vì con cái, đó cũng không phải cách hay. Không biết người chồng có thấy tội lỗi, day dứt trước vợ con không, nhưng chắc chắn người vợ là người đau khổ nhất, bởi tâm trí không lúc nào được thoải mái, luôn phải tỏ ra mình ổn, trong khi lòng vẫn đầy oán giận. Chưa kể, những đứa trẻ sống trong gia đình mà bố mẹ đang “diễn kịch”, chúng cũng rất nhạy bén, thường sớm nhận ra vấn đề và mang theo tổn thương khi lớn lên.
Nữ chuyên gia cho biết, điều chị em thật sự cần để vượt qua nỗi đau chồng phản bội là phải chữa lành để giải phóng những cảm xúc tiêu cực, tìm thấy sự bình an trong tâm trí, học được bài học từ tình huống đó và trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn.
“Khi chồng ngoại tình, thông thường phụ nữ sẽ ngay lập tức đóng vai nạn nhân “tôi yêu anh như thế, tôi hy sinh cho gia đình như thế mà anh đối xử như vậy”. Nếu nói phải chịu trách nhiệm, nhiều chị em sẽ phản đối vì cho rằng mình vẫn yêu thương, chăm sóc chồng con, chuyện ngoại tình xảy ra là do chồng “rửng mỡ”. Mình không sai thì sao phải chịu trách nhiệm?
Thực chất, nếu chị em đứng ở vùng nạn nhân, đổ lỗi cho người khác thì bản thân sẽ không thay đổi và không học được bài học nào. Chị em cần quay lại hỏi chính mình: “Cần thay đổi như thế nào sau biến cố này để mình trở nên tốt hơn?”… Khi chịu trách nhiệm, thương nhiều hơn trách, chị em mới thật sự bình an, học được bài học và “tốt nghiệp” tình huống ấy. Từ đó, thôi ấm ức, oán trách, ngừng dằn vặt chính mình và đối phương”, cô Lanh phân tích.
Sau khi đã giải phóng được những cảm xúc tiêu cực, chị em cần lựa chọn sống trong giây phút hiện tại. Hiện tại là khoảnh khắc đẹp nhất nhưng đa phần chúng ta để cho ký ức quá khứ hoặc những lo lắng về tương lai chi phối hiện tại của mình. Chính vì thế, sống cho hiện tại, không để những lỗi lầm quá khứ bủa vây cũng là cách để chữa lành nỗi đau.
Chuyên gia tâm lý cũng khuyên chị em hãy rèn luyện bản thân trở thành một người phụ nữ có nhiều giá trị. Thay vì truy vấn chồng tại sao lại ngoại tình, tìm hiểu xem “kẻ thứ 3” có gì hơn mình…, chị em nên học hỏi để nâng cao giá trị bản thân từ ngoại hình cho đến trí tuệ. Khi chị em có nhiều giá trị, thoải mái tận hưởng cuộc sống thì cũng có nghĩa là chị em đã không còn bị chi phối bởi chuyện cũ nữa.
Bên cạnh đó, nỗi đau là cánh cửa để tìm về với chính mình. Chị em mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực sau khi bị phản bội là vì chưa biết cách yêu chính mình, luôn gắn hạnh phúc của mình vào người khác. Chị em gắn hạnh phúc của mình vào chồng nên khi chồng ngoại tình thì đau đớn, thất vọng. Cần hiểu rằng niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời này là do chính chúng ta tạo ra chứ không nên phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Không ai có quyền làm tổn thương chúng ta. Chỉ khi thông suốt điều này, chị em mới có hạnh phúc tự thân, mới thực sự bình an để bước qua nỗi đau phản bội.