Ai cũng mang trong mình những tổn thương
Trong Tứ diệu đế, điều đầu tiên được đức Phật đề cập đến chính là “khổ đế”. Con người đến với cuộc đời này, quay cuồng trong vòng luân hồi, đều không tránh khỏi sự khổ. Khổ vì sinh - lão - bệnh - tử. Khổ vì vô minh, vì tham sân si che mờ đôi mắt.
Sống trong đời sống, từ lúc mới đến với cuộc đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, mỗi người đều gặp rất nhiều điều bất như ý, đều bị những khổ đau làm cho tổn thương. Có những vết thương có thể liền sẹo, nhưng cũng có những vết thương phải mang theo đến cuối cuộc đời.
Thiền sư Minh Niệm đã nói rằng, “dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó”.
Bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào, tầng lớp xã hội hay giới tính nào, cũng đều có thể bị tổn thương. Người ta tổn thương khi đang ở tuổi ấu thơ bởi sự ra đi của người thân, sự tan vỡ của gia đình, hoặc nhận phải sự bạo hành bằng lời nói, hành động. Khi trưởng thành, người ta lại bị tổn thương vì sự thất bại trong cuộc sống, sự chê bai hay tấn công của miệng lưỡi người đời, sự phản bội lẫn nhau.
Ngay cả trong tình yêu, cạnh những giây phút thăng hoa và hạnh phúc, thì mầm khổ đau vốn dĩ đã ở đó. Thầy Minh Niệm cũng nói rằng “tình yêu không đủ mạnh dễ làm tổn thương nhau”.
Có một nghịch lý rằng, xã hội càng phát triển, vật chất càng đầy đủ, con người càng dễ bị tổn thương hơn. Thiền sư Thích Minh Niệm chia sẻ, thế hệ 7x, 8x tâm thân vững vàng hơn lứa 9x hay 2000 trở về sau vì trưởng thành trong hệ sinh thái, môi trường an lành, thiên về nghĩa tình hơn là vật chất, không tivi hay internet. Tuổi thơ dù có bão giông, biến cố, cha mẹ nghiêm khắc... nhưng họ đủ lý trí để nhận diện cảm xúc, có bộ lọc tốt để sàng lọc lời mắng nhiếc, cái tát tai ấy tốt hay xấu. Khi trưởng thành, họ dần thấu hiểu tình yêu thương, chở che con của cha mẹ chứ không hẳn nhìn thấy những điều tiêu cực.
Hiện nay, hội chứng tâm lý lan tràn hơn xưa vì nhiều lý do: thời đại kinh tế bùng nổ, mọi người bận rộn kiếm tiền, không đủ thời gian chăm sóc gia đình hay quan sát con trẻ. Bên cạnh đó, công nghệ lên ngôi, liên tục kích hoạt cảm xúc, não bộ con người không kịp thích ứng nên dễ hình thành tổn thương.
Cạnh đó, chúng ta vừa trải qua một đợt dịch bệnh kinh hoàng. COVID - 19 không chỉ gây ra sự ra đi của biết bao con người trên khắp toàn cầu, mà hậu quả của nó còn là sự chia lìa, tan vỡ và mất mát, là sự mất cân bằng tâm lý, khủng hoảng về kinh tế...
Chúng ta cũng đang sống trong một thế giới có nhiều bất an. Ngoài thiên tai còn có nhân họa, chính là những cuộc chiến tranh đang diễn ra, là các cuộc chạy đua vũ trang, những mối nguy cho nhân loại. Tất cả những điều ấy đều đang rình rập để gây tổn thương cho mỗi người, tế bào nhỏ bé của thế giới này.
Bởi thế, thiền sư Minh Niệm đưa ra nhận định rằng, tổn thương luôn có mặt ở đó, trong mỗi con người. Nhưng như thế không có nghĩa là ta đành buông xuôi, chấp nhận. Điều quan trọng là ta nhận diện ra mình đang tổn thương. Khi ấy, ta sẽ bắt đầu bước lên cuộc hành trình chữa lành cho chính mình.
Biến tổn thương thành món quà của cuộc sống
Để chữa lành, theo thầy Minh Niệm cần nhận biết, tự chữa lành và biến tổn thương thành một món quà của cuộc sống. Và sự chữa lành không đến từ những gì cao siêu, xa vời. Chữa lành cũng không đến từ tha nhân, không ai giúp ta chữa lành cả. “Chữa lành là trở về với chính mình để tìm thuốc”.
Muốn chữa lành, điều tâm tiên mỗi người cần làm là “nhìn vào tâm mình”. Người ta nói “đau khổ do tâm tạo”. Đúng là như thế, những bất như ý, những tác động của bên ngoài, do sự phản ánh của tâm mà trở thành khổ đau và tổn thương. Tuy nhiên, thiền sư Thích Minh Niệm cũng chỉ ra rằng, tâm gây ra khổ đau, mà cũng chính tâm là liều thuốc để chữa lành. Nếu cứ chạy theo tìm tòi nguyên nhân đau khổ, chìm đắm trong đau khổ, đỗ lỗi cho người, oán trách chính mình, khổ đau và tổn thương không thể vơi bớt. Theo thầy Minh Niệm, tâm là nguồn gốc khổ đau nhưng cũng chứa nhiều dược liệu như: hỷ, xả, từ bi, thảnh thơi, bình an... Nếu có thể gợi lên những tố chất đó, tâm sẽ được chữa lành.
Sự chữa lành phải là một sự thực tập hàng ngày. Thầy Minh Niệm đưa ra lời khuyên, khi gặp bất ổn tâm lý, tổn thương, khổ đau, mỗi người cần buông bỏ vật ngoài thân để nhìn sâu, tập trung quay về tìm hiểu chính mình. Tự nhìn sâu vào tâm mình, lắng nghe tâm mình, lắng nghe những nỗi khổ niềm đau bên trong mình, ôm ấp và vuốt ve nỗi khổ niềm đau ấy. Nếu nỗi khổ niềm đau ấy quá lớn, chúng ta có thể tìm đến những người biết lắng nghe, những người thầy về tinh thần, chuyên gia tâm lý để cùng nhìn sâu vào tổn thương và đau khổ, nhận diện và tìm cách chữa lành nó.
Một điều rất hay trong hành trình chữa lành thường được thiền sư Minh Niệm nhắc đến, đó là đừng oán giận, ghét bỏ và chống đối tổn thương, đau khổ. Bởi khổ đau đôi khi cũng chính là món quà mà số phận mang đến cho ta.
Trong bài viết “Rác cũng là hoa” (Hiểu về trái tim), thầy Minh Niệm đã đưa bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một ví dụ để phân tích về “sống chung với khổ đau”.
“...”Em là tôi và tôi cũng là em”. Em là tâm lý tuyệt vọng, là một biểu hiện nhất thời của cái tôi rộng lớn. Không thể cho rằng tuyệt vọng là toàn bộ con người của ta. Dù nó đang khống chế ta trong mọi suy tư và hành động, nhưng bản chất của nó vẫn là vô thường như mọi hiện tượng tâm lý khác. Sớm muộn gì nó cũng sẽ tan biến thôi. Điều kỳ diệu là nhờ chuyến trôi dạt đến tận cùng miền đau khổ ấy mà ta khám phá ra được bản chất của mọi phiền não đều không có thật, và chúng cũng không hề có tên gọi gì cả. Chúng chỉ là những phản ứng chống trả nhất thời của cái tôi yếu đuối và còn thiếu hiểu biết về chính mình. Nhưng nhờ những phản ứng mạnh mẽ ấy, ta mới thấy rõ hết những yếu kém sâu sắc của mình mà kịp thời giúp đỡ và thay đổi cách sống. Có thể nói, nếu không có phiền não thì sẽ không bao giờ có sự giác ngộ; nếu không có em tuyệt vọng hôm qua thì sẽ không có tôi vững chãi hôm nay. Bởi em là tôi và tôi cũng chính là em. Cũng giống như đem rác chuyển hóa thành phân hữu cơ để nuôi hoa, góp phần làm ra hoa. Hoa trở thành rác mà rác cũng có thể biến thành hoa. Thành ra, ranh giới giữa em tuyệt vọng và tôi cách nhau chỉ trong đường tơ sợi tóc. Khi lạc lõng thì em bé dễ hờn dễ khóc năm xưa trỗi dậy, nhưng chỉ cần sự tỉnh thức trở lại thì cái tôi vững chãi sẽ được gọi về...
Ở phần viết về “Khổ đau” trong tác phẩm “Hiểu về trái tim”, thiền sư Minh Niệm có nói rằng, không chỉ không nên oán trách, mà ta còn cần biết ơn khổ đau. “Khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh, để ta có thể phát tiết hết bản năng sinh tồn tiềm ẩn của mình... Từ đó, ta biết cách điều chỉnh lại tâm thức và nếp sống của mình, sao cho hài hòa với sự vận hành của vũ trụ. Nhờ đó, sự hiểu biết và tình thương trong ta bừng nở. Ta có thể đi giữa thăng trầm của cuộc đời này một cách thong dong tự tại mà không còn lo sợ những nghịch cảnh bất ngờ. Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy. Vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra, mà cũng từ tâm diệt đi.
Có câu rằng: “Nếu không có khổ đau / Biết đâu là hạnh phúc / Nhờ mộng mị hôm nào / Ta tìm về tỉnh thức”.
Thiền sư Thích Minh Niệm sinh năm 1975, từng xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm, TP HCM, sau đó thực hành dòng Thiền Hiện Pháp Lạc Trú dưới sự truyền dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tại Pháp.
Từ năm 2005, thiền sư bước sang thực hành Thiền Vipassana, dòng Quán Tâm. Sau hành trình “tu bụi” 3 năm, đi bộ qua 25 tiểu bang nước Mỹ, thầy trở về Việt Nam, chia sẻ phương thức trị liệu tâm lý và khai sáng tâm trí bằng thiền tập. Thầy đã xuất bản hai quyển sách “Hiểu về trái tim” và “Làm như chơi” - là 2 cuốn sách tâm lý bán chạy nhất.
Từ năm 2021 đến nay, thầy thực hiện dự án đào tạo chuyên gia Thiền tâm lý trị liệu tại Đà Lạt, Lâm Đồng.