Thể hiện sự đồng tình cao độ với việc ban hành Dự thảo luật Việc làm, các ĐBQH đã tiếp tục hoàn thiện dự luật này bằng việc đưa ra các ý kiến thảo luận trong phiên làm việc sáng hôm nay (19/6) tại hội trường QH
Trong phần phát biểu của mình, các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật việc làm là cần thiết bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm còn tản mạn ở Bộ luật lao động, Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật bảo hiểm xã hội, Luật dạy nghề, Luật người khuyết tật v.v.... đã tạo nên sự thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.
Các quy định về việc làm ở Bộ luật lao động, các bộ luật khác còn mang tính nguyên tắc, do đó phải ban hành nhiều văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành nên tính pháp lý chưa cao, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.
Cấp chứng chỉ nghề như thế nào là hợp lý
Một trong những vấn đề mới, và được các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến xây dựng là vấn đề đánh giá cấp chứng chỉ, kỹ năng nghề.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức - Đồng Tháp phát biểu ý kiến |
ĐB Nguyễn Hữu Đức - Đồng Tháp- phát biểu:Với quy định này dự thảo luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quy định tiêu chuẩn, kỹ năng nghề quốc gia và việc đánh giá chứng nhận cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là cơ sở để người lao động phấn đấu nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đẩy người sử dụng lao động bố trí việc làm, trả lương hợp lý cho người lao động, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hội nhập quốc tế
Đồng tình với quy định của dự thảo luật về cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, ĐB Ly Kiều Vân - Quảng Trị đề nghị cần quy định rõ hơn về trình tự thủ tục đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. “Thực tế hiện nay có những ngành nghề truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của họ nhưng họ chỉ bằng hình thức truyền nghề qua các cơ sở đào tạo không có bằng cấp chứng chỉ thì việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề được quy định như thế nào trong dự thảo luật này?” Bà đặt câu hỏi.
ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) lại không thống nhất với hình thức cấp chứng chỉ nghề như dự luật. Theo ông, đối tượng đã được đào tạo trong các trường dạy nghề có bằng cấp và tốt nghiệp chính quy, có đầy đủ các nội dung, thời gian đào tạo với đầy đủ các nội dung chuyên môn kỹ thuật cho đến an toàn lao động, kỷ luật lao động v.v... Hiện nay lại phải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ nghề như quy định của dự thảo là không phù hợp.
Quy định như vậy nảy sinh việc phải tổ chức ra một hệ thống các cơ quan tổ chức để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy có thể dẫn tới khi mỗi bộ luật ra đời thì lại có thêm một bộ máy hoặc một tổ chức để thực hiện việc này.
Việc làm này theo ĐB tỉnh Nam Định không làm giảm bớt các thủ tục hành chính và gây tốn kém đối với người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là chưa khả thi
Một vấn đề khác được các đại biểu tán thành cao là quy định về bảo hiểm việc làm.Tán đồng với quy định này, ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội được chuyển về Dự án Luật Việc làm là hợp lý. Trong tương lai Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí là chính sách an sinh xã hội dài hạn.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật bảo hiểm xã hội sang dự án Luật việc làm sẽ không làm thay đổi mô hình tổ chức, không làm xáo trộn về hoạt động quản lý quỹ cũng như việc triển khai thực hiện chính sách này. Ông cho rằng mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp khác biệt so với bảo hiểm xã hội, tức là bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhằm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để sớm tìm được việc làm, đồng thời hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp. Còn bảo hiểm xã hội, trong đó trụ cột chính sách là bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm dài hạn mục tiêu chính là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi về hưu.
|
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm |
ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) lại đặt câu hỏi: việc chuyển một nội dung từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm có hợp lý không? “Nên chăng tập trung vào một cơ quan, vừa làm chế độ xét duyệt, rồi xử lý hồ sơ, vừa làm chế độ chi trả thì chặt chẽ hơn, tránh sơ hở, lợi dụng làm thất thoát quỹ.” ông nói.
Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp Lê Thị Yến - Phú Thọ băn khoăn: Theo quy định hiện hành chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ điều chỉnh người lao động có giao kết hợp đồng lao động với một số điều kiện. Nên trong thời gian tới việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã là một bước đột phá lớn.
Hiện nay đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nhân lực và công cụ để quản lý và kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm mà mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú nên việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi.
Với những phân tích như vậy, đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị trong dự thảo luật chỉ nên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là phù hợp.
Đối với người lao động không có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nên quy định trong luật mà giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thí điểm thực hiện, khi có đủ điều kiện mới đưa vào quy định trong luật này.
Nhất trí như phân tích của đại biểu Yến ở Phú Thọ, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn - Thái Bình nói: Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc thêm nếu mở rộng thêm đối tượng lao động không có quan hệ lao động vì hiện chưa rõ quy định này như thế nào, trong khi ta quy định khung thì người lao động sẽ thấp thỏm chờ đợi.
ĐB Trần Thị Hiền - Hà Nam cũng cho rằng tính khả thi của việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp rất khó khăn. Bà Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Luật không được "đá" luật
Về vấn đề cho thuê lại lao động, đây là một thực tế trong thị trường lao động đã tồn tại từ lâu. Nhưngđến năm 2012, Bộ luật lao động sửa đổi mới có quy định về vấn đề này. Và dự thảo Luật việc làm, vấn đề cho thuê lại lao động được quy định trong Điều 31.
Tuy nhiên, theo phát hiện của ĐB Lê Thị Yến - Phú Thọ thì quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có chức năng cho thuê lại lao động là không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
Vì tại Điều 53 của Bộ luật Lao động quy định hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.
Bởi vậy, nếu quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có chức năng cho thuê lại lao động thì tất cả các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này phải gắn với quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và giấy phép hoạt động kinh doanh có điều kiện.
Mặt khác, Nghị định số 55 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản 3, Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động thì Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội có quyền cấp lại, gia hạn hoặc thu hồi giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động mà không phải do cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh cấp như Điều 30 của dự thảo Luật việc làm. Như vậy, theo tôi Luật việc làm có thể quy định vấn đề cho thuê lại lao động, nhưng phải phân biệt 2 nhóm.
Nhóm 1 là đối với những doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có chức năng cho thuê lại lao động phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động về ngành nghề kinh doanh có điều kiện này.
Nhóm 2 là những doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, nhưng không có chức năng cho thuê lại lao động, chỉ có các chức năng tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và tuyển chọn tương ứng lao động.
Nhật Thanh