Tham dự Hội nghị có các đại biểu là đại diện của cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, kiểm lâm, hải quan, thi hành án, tư pháp… của nhiều địa phương khu vực phía Nam.
Theo PGS-TS Trần Văn Độ - nguyên Chánh án TAND Tối cao, chế định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội đã khắc phục được rất nhiều vấn đề trong thực tiễn. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắng nhìn nhận, dù luật đã có hiệu lực gần 2 năm, nhưng đến nay pháp nhân phạm tội hình sự nào bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Lý do là còn nhiều cách hiểu khác nhau, nên các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa “mạnh tay” với tội phạm dạng này.
Nhiều đại biểu đặt ra vấn đề, việc cắt nghĩa, khu biệt giữa hành vi của cá nhân và pháp nhân không hề đơn giản và các pháp nhân có thể lợi dụng kẽ hở để từ chỗ cá nhân phải chịu hình sự “đá” qua pháp nhân chịu hình sự?... Vì vậy, các đại biểu cũng đề nghị, nếu có tài liệu về cách hiểu khi soạn thảo các điều luật liên quan tới tội phạm pháp nhân thì đề nghị được công bố rộng rãi để các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như mọi người có cách hiểu và áp dụng thống nhất.
Được biết hiện trên thế giới đã có hơn 120 quốc gia áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với pháp nhân, trong đó, tại khu vực ASEAN có 7/10 nước. Việc xử lý hình sự với pháp nhân phạm tội được xem là một biện pháp hết sức cần thiết trong hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia trong thời đại mới.