Chưa thể bỏ room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các tổ chức tín dụng hàng năm để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính. Cách thức quản lý này sẽ tiếp tục được NHNN thực hiện trong bối cảnh hiện nay, dù đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ để các ngân hàng chủ động hơn.
Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ được thực hiện trong thời gian tới. (Ảnh: TCTTTT)
Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ được thực hiện trong thời gian tới. (Ảnh: TCTTTT)

2 lần bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024, ngay từ đầu năm, NHNN giao cụ thể room tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Căn cứ vào chỉ tiêu này các TCTD sẽ chủ động thực hiện cho vay ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, đến khoảng nửa cuối tháng 8, mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có các TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.

Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD. Theo đó, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch.

Cụ thể, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị. Cũng với lý do này, ngày 28/11/2024, NHNN tiếp tục tăng chỉ tiêu tín dụng với các TCTD đủ điều kiện. Như vậy, năm 2024, NHNN đã 2 lần tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD và đều là NHNN chủ động tăng, không cần phải chờ các TCTD đề nghị.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên đã có giai đoạn tăng trưởng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.

Trong khi đó, mục tiêu điều hành của NHNN vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn vừa phải bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết. Bởi, nếu hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó.

Do vậy, NHNN căn cứ vào diễn biến thực tế và trong nhiều năm qua, NHNN đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành. Và khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các TCTD, NHNN đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các TCTD, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD. Cùng với đó, NHNN thường xuyên giám sát và cảnh báo những TCTD tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.

Chưa thể bỏ room tín dụng

Liên quan đến vấn đề giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ chỉ tiêu này. Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã chất vấn về vấn đề này. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã tổ chức nhiều tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các TCTD. Xét trong bối cảnh hiện nay, NHNN chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình cho rằng, chưa thể bỏ room tín dụng. Bởi thực chất, room tín dụng là việc NHNN quản lý tốc độ cho vay gia tăng của các ngân hàng thương mại (NHTM). Thị trường vốn hiện nay của Việt Nam chưa thực sự phát triển như mong muốn, doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn ngân hàng rất nhiều. Trong khi đó, nhiều NHTM sẵn sàng cho vay bất chấp rủi ro, do đó room tín dụng chính là ngưỡng NHNN đưa ra để các NHTM cho vay trong giới hạn cho phép để giảm thiểu rủi ro. “Nếu bỏ room tín dụng nghĩa là cho NHTM tự quyết định việc cho vay của mình… điều này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính tiền tệ”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, bỏ room tín dụng sẽ không còn kiểm soát được lượng tiền “bơm” vào nền kinh tế, nhất là lại “bơm” vào các lĩnh vực chưa được ưu tiên phát triển hoặc “bơm” quá nhiều mà không gắn với nhu cầu thực của doanh nghiệp và người dân, sẽ dễ gây ra lạm phát và lãng phí nguồn vốn. Chưa kể, nếu bỏ room tín dụng có thể gây ra nợ xấu, đặc biệt là khi tín dụng được mở rộng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Ngoài ra, còn phải kể đến việc các NHTM sẽ cạnh tranh nhau trong việc hút khách vay bằng nhiều cách, gây ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định của thị trường.

Đọc thêm