Chưa thể dừng giải cứu nông sản trong vài năm tới?

(PLO) - Mối quan hệ chặt chẽ giữa DN phân phối và người nông dân mà chúng tôi đặt ra ở bài viết trước đều là những vấn đề mà bất cứ ai cũng nhìn thấy rất rõ. Nhưng để từ nhìn thấy đến thực hiện thay đổi được là một chặng đường quá dài và sẽ gặp biết bao nhiêu trở ngại…
Nhờ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo kiểu hợp đồng bao tiêu nên khoai lang giống Nhật bán tại Big C luôn có giá rẻ hơn so với các chợ truyền thống
Nhờ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo kiểu hợp đồng bao tiêu nên khoai lang giống Nhật bán tại Big C luôn có giá rẻ hơn so với các chợ truyền thống

Sắp phải giải cứu nông sản Đồng bằng sông Cửu Long?

Ông Nguyễn Vũ Minh, Ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã (HTX) Cần Thơ cho biết, chuyện các vùng nông sản phụ thuộc vào một vài thương lái đang là vấn đề rất lớn và chưa có cách để giải quyết. Ông chia sẻ cụ thể, hiện nay, một số sản phẩm là nông sản riêng có của Cần Thơ đang gặp khó khăn về đầu ra như cam xoàn, cam sành, nhãn. 

Đây đều là các sản phẩm có giá trị cao với giá bán tận ruộng hàng năm dao động khoảng từ 45.000-50.000/kg. Nhưng năm nay, đã vào mùa mà chưa thấy thương lái xuất hiện khiến hầu hết bà con đều rất lo lắng. Mặc dù HTX vẫn kết hợp với Sở Công Thương và các ban ngành của tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm để lo đầu ra cho nông sản nhưng tín hiệu vẫn còn mịt mù. 

Ông Minh lo lắng cho biết thêm, các năm trước thương lái vào tận ruộng mua với giá cao nhưng năm nay giá giảm xuống chỉ còn 30.000/kg, dù sản lượng tăng không đáng kể. Giá đã giảm, sản phẩm lại chưa được tiêu thụ, người nông dân đang cố giữ quả để chờ có người mua nhưng cũng không thể chờ đợi lâu.

Hay quả mít Thái siêu sớm cũng có giá trị kinh tế cao nhưng vì phong trào “nhà nhà trồng mít, người người trồng mít” nên năm nay mít Thái bắt đầu có dấu hiệu cung vượt quá cầu. Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 1.500 ha mít Thái siêu sớm, tăng hàng trăm ha so với năm trước. Và đầu ra cho sản phẩm này cũng đang khiến những ban ngành liên quan và người nông dân lo lắng. 

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) Hà Nội khẳng định, thị trường và bán hàng là khâu cốt tử của bất cứ sản phẩm nào, không riêng mặt hàng nông sản. Nhưng yếu tố này lại đặc biệt quan trọng với nông sản vì nó liên quan mật thiết đến an toàn thực phẩm, sức khỏe và vòng đời ngắn hạn của nông sản. 

Theo ông Phú, nguyên nhân của những cuộc giải cứu chính là sự thiếu tính quy hoạch trong sản xuất, người dân mạnh ai nấy trồng theo phong trào nên cung vượt cầu, dẫn đến giá bị rớt mạnh, dù thương lái chưa tiến hành… ép giá. Câu chuyện về nông sản Đồng bằng sông Cửu Long cũng sắp phải giải cứu là một dạng điển hình của việc thị trường nông sản phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, sản xuất nông sản hiện nay đang đi ngược lại thị trường. Người nông dân cứ sản xuất (mặc kệ tín hiệu thị trường), sau đó mới đẩy hàng hóa ra thị trường rồi mới bắt đầu điều chỉnh nếu có trường hợp xấu xảy ra. 

“Tôi cho rằng, phải tuyên truyền mạnh để người nông dân hiểu được không phải cứ trồng sản phẩm nào là ra được thị trường sản phẩm ấy vì thị trường còn đòi hỏi về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu cứ tiếp tục sản xuất manh mún và tiếp tục trông chờ vào thương lái thì nền nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục khủng hoảng dư cung” - bà Phương khẳng định.  

Tư duy thích “tiền tươi, thóc thật” là một trở ngại

Việc kết hợp chuỗi sản xuất từ người nông dân đến siêu thị đã được đặt ra nhưng theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Central Group (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C), đây vẫn là một câu chuyện dài, không thể thay đổi chóng vánh trong thời gian vài năm. Hiện nay, Central Group vẫn thực hiện nhiều chương trình giải quyết chạm đến gốc rễ của vấn đề như mua trực tiếp tại các đầu mối hàng nông sản và làm việc trực tiếp với các hộ nông dân cá thể. 

Bà Linh cho biết, lợi thế của DN chính là nắm được nhu cầu của người tiêu dùng và chia sẻ trực tiếp tới người nông dân để họ nắm được nhu cầu và sản xuất đúng nhu cầu của siêu thị như các mặt hàng bắp cải, cà chua, khoai lang giống Nhật mà Big C đang thực hiện bao tiêu. Bà Linh khẳng định, các DN đầu mối phân phối nhận thức được trách nhiệm của mình và đang dần từng bước tiếp cận đến gốc rễ vấn đề, bên cạnh việc giải cứu khi cần. 

Tuy nhiên, theo bà Linh, nếu chỉ có DN và các ngành chức năng ra tay không thì chưa đủ. Điều quan trọng nhất là người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất. Theo đó, họ phải nắm được sản phẩm nào là nhu cầu của thị trường, tránh sản xuất tràn lan. Các cơ quan liên quan cùng nhau hướng dẫn để người nông dân thoát được tư duy thấy cây nào hiệu quả là trồng theo. 

Ngoài ra, còn cần phải định hướng để người nông dân nhìn thấy được thị trường trong tầm ngắn hạn 3-6 tháng ngay từ thời điểm họ bắt đầu sản xuất. Điều quan trọng nữa là gieo vào họ tư duy cần phải sản xuất những sản phẩm có chất lượng bền vững, sạch, an toàn, không chạy theo xu hướng sản phẩm bóng bẩy, trọng lượng lớn. “Tư duy chậm và chắc mới là hướng đi chắc chắn của hàng nông sản Việt Nam” - bà Linh khẳng định.

Còn một khâu đặc biệt quyết định sự thành công của thị trường nông sản, theo bà Linh, chính là khâu giao nhận hàng hóa và vận chuyển. Bởi bình thường, tâm lý của người nông dân thường muốn bán ngay tại chỗ và nhận tiền mặt. Trong khi đó, DN nào cũng cần phải tổ chức 1 chuỗi cho sản xuất từ đưa hàng từ bờ ruộng đến điểm tập kết và bắt đầu phân phối đến siêu thị và đưa đến tận tay người tiêu dùng nên việc thanh toán không thể “ngay và luôn”. 

Do đó, theo bà Linh, phải thay đổi được thói quen thích “tiền tươi, thóc thật” của người nông dân, bởi hiện nay, dù cải tiến rất nhiều về phương thức thanh toán thì các DN phân phối cũng không thể “trả tiền tại ruộng” như thương lái vẫn làm. 

Đọc thêm