Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách Kinh thành Huế chừng 5km về hướng Tây, xưa thuộc địa phận huyện Hương Trà (nay là phường Hương Long, thành phố Huế). Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm 1601, được coi là dấu ấn gắn liền với bước chân mở cõi của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, đặt nền móng cho Phật giáo của người Việt ở xứ Đàng Trong.
|
Đoàn Lớp K74-B08 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vãn cảnh chùa Thiên Mụ - tháng 10-2024 |
Chùa Thiên Mụ gắn liền với một truyền thuyết lâu đời. Chuyện kể rằng, từ xa xưa, dân chúng nơi này đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi mà chùa tọa lạc ngày nay, nói rằng: Rồi sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa ở đây để tụ long khí, làm bền long mạch cho nước Nam hùng mạnh. Nói xong, bà biến mất. Từ đó, ngọn đồi đặt tên là Thiên Mụ Sơn (núi Bà Trời).
Sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) một lần đi qua đây đã nghe được câu chuyện ấy. Chúa Nguyễn Hoàng cho rằng đó là điềm ứng với mình. Năm 1601, chúa cho xây dựng một ngôi chùa trên đồi, nhìn thẳng ra sông Hương và đặt tên là “Thiên Mụ”.
Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất xứ Huế và xứ Đàng Trong. Kiến trúc của ngôi chùa được lồng ghép vào cảnh thiên nhiên nên thơ, tĩnh mịch. Cảnh quan của ngôi chùa rất đặc biệt, không nơi nào có được. Ngọn đồi đột khởi giữa khoảng đất bằng được nhấn mạnh bởi ngọn tháp Phước Duyên làm cho khung cảnh thêm uy nghi. Dòng sông Hương trong xanh uốn khúc trước chùa khiến phong cảnh nơi đây thêm hữu tình.
Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô – di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.
|
Trong số các hạng mục kiến trúc, tiêu biểu nhất là tháp Phước Duyên. Tháp có mặt bằng hình bát giác, cao 7 tầng (21m), dáng thuôn dần từ đế lên đỉnh. Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn lên tầng 6, từ tầng 6 lên tầng 7 dùng thang gỗ. Mỗi tầng tháp đều có tượng Phật. Ở tầng trên cùng xưa có tượng Phật bằng vàng, nay không còn nữa.
Tháp Phước Duyên là một kiến trúc đậm dấu ấn mỹ thuật Phật giáo, là một trong những biểu tượng của cố đô. Công trình tiêu biểu tiếp theo là điện Đại Hùng - điện thờ chính và là nơi hành lễ.
Trong lần trùng tu năm 1957, nhiều cấu kiện gỗ đã được thay bằng bê tông. Tuy nhiên, cấu trúc ngôi điện vẫn được giữ nguyên. Tại gian giữa tiền điện có treo bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714.
Trong số các di vật, pháp khí được lưu giữ ở chùa thì tiêu biểu nhất là đại hồng chung do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1710. Chuông có kích thước cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg, được coi là tác phẩm điêu khắc đồng nghệ thuật xuất sắc của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Mặt trên của chuông chia làm 4 khoảng khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu và chạm nổi những hình long, vân, nhật, tinh; phần dưới khắc hình bát quái và thủy ba. Đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.
|
Các học viên Lớp K74-B08 đang tìm hiểu lịch sử chùa qua thông tin trên các văn bia |
Mùi hương trầm nhẹ nhàng lan tỏa trong không gian tĩnh lặng, như gợi nhớ đến những nén nhang thành tâm của người đến chùa cầu nguyện. Từng bức tượng Phật uy nghiêm, trang nghiêm trong chánh điện, gợi lên lòng kính ngưỡng và tôn trọng sâu sắc. Đứng trước tượng Phật, dường như mọi lo toan, muộn phiền của cuộc sống thường nhật đều tan biến, chỉ còn lại sự tĩnh tại trong tâm hồn.
Rời chùa Thiên Mụ, lòng người như được tiếp thêm năng lượng mới từ sự tĩnh lặng và an nhiên nơi đây. Cảm xúc ấy không chỉ là sự thư giãn, mà còn là sự kết nối sâu sắc với cõi tâm linh, nơi con người có thể tìm thấy sự thanh thản và bình yên giữa cuộc sống bộn bề. Thiên Mụ, với vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc, đã trở thành điểm tựa tinh thần, một nơi để trở về với chính mình.