Đội Trường THPT Bình Liêu vô địch Giải bóng đá nữ các DTTS Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -   Ngày 31/10, tại Trung tâm văn hóa xã Húc Động, huyện Bình Liêu, đã diễn ra trận chung kết Giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh 2024 – Cúp Hà Lan , giữa đội b óng trường THPT Bình Liêu và đội bóng đá huyện Tiên Yên.
BTC trao Cúp vô địch cho đội bóng trường THPT Bình Liêu.
BTC trao Cúp vô địch cho đội bóng trường THPT Bình Liêu.

Trận chung kết đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn ngay từ những phút đầu, mặc dù là giải đấu phong trào nhưng các nữ cầu thủ DTTS đã cống hiến cho người xem những pha bóng đẹp, đầy kịch tính. Kết thúc 2 hiệp chính, 2 đội hòa với tỷ số 1-1, bước vào loạt đã luân lưu. Kết quả chung cuộc Đội bóng trường THPT Bình Liêu giành chiến thắng với tỷ số 5-4.

Kết thúc giải đấu, BTC đã trao cúp, giải nhất toàn đoàn cho đội Trường THPT Bình Liêu, giải nhì cho đội Tiên Yên, giải ba cho đội thị trấn Bình Liêu và Trường THPT Hoành Mô, giải phong cách cho đội Húc Động.

Đồng thời, trao các giải phụ: cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất, thủ môn xuất sắc nhất, cầu thủ ít tuổi nhất, cầu thủ nhiều tuổi nhất, cầu thủ có trang phục đẹp nhất và hoa khôi của giải.

Đội trưởng Loan Phương Thảo, lớp 12A5 Trường PTTH Bình Liêu, tâm sự: "Dù đã được nâng Cúp vô địch nhưng cháu vẫn đang rất hồi hộp, vì đây là lần đầu tiên chúng cháu tham gia và được chức vô địch, cháu rất hạnh phúc và vui, cảm xúc rất khó tả. Trường đang kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường, cháu đang học lớp 12, nên công việc rất bận cháu đã phải thu xếp việc học, và sắp xếp công việc ổn thỏa để tham gia giải. Chức vô địch này như một món quà tri ân với nhà trường"

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: “đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh tổ chức giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số số. Những ngày diễn ra giải đấu rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu, địa bàn lân cận huyện đã về cổ vũ cho các đội bóng, đặc biệt các du khách đến được xem, trải nghiệm bóng đá nữ trên địa bàn tỉnh chỉ có giải đấu nữ duy nhất ở huyện Bình Liêu”.

Ông Tô Đình Hiệu Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: “Giải bóng đá nữ dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh 2024 – Cúp Hà Lan năm nay được nâng tầm, tôi mong muốn các địa phương trong tỉnh sẽ đều tham gia thể thao, mong được quan tâm nhiều hơn về cơ sở vật chất, đầu tư hơn về vẻ đẹp trang phục các cầu thủ, bởi khán giả đến xem không chỉ xem tỷ số của trận đấu mà mà còn muốn được chiêm ngưỡng trang phục dân tộc, nét đẹp riêng của các nữ cầu thủ DTTS ”

Ông La Ngọc Minh, giáo viên của trường THPT Bình Liêu, Huấn luyện viên đội bóng nữ, đội vô địch nhận cúp giải đấu cho biết: "Trong quá trình tập luyện các em ý thức tốt, ngoan, đam mê, chăm chỉ tập luyện. Đặc biệt niềm đam mê bóng đá của huyện Bình Liêu nói chung và các em ở trường nói riêng rất thích, yêu bóng đá".

Các CĐV là người đồng bào DTTS đến sân từ rất sớm để cổ vũ cho 2 đội từ rất sớm

Các CĐV là người đồng bào DTTS đến sân từ rất sớm để cổ vũ cho 2 đội từ rất sớm

Một số hình ảnh của trận chung kết giữa đội bóng trường THPT Bình Liêu và đội bóng đá huyện Tiên Yên:

Giải bóng đá nữ các dân tộc thiểu số Quảng Ninh - Cúp Hà Lan năm 2024 nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa vàng Bình Liêu 2024. Giải đấu góp phần hoàn thiện Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 20230, đồng thời tạo thêm sản phẩm du lịch cho vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Giải đấu năm nay có 7 đội tham gia thi đấu, đến từ các đội, các CLB của huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên, chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn một lượt, chọn 2 đội Nhất, Nhì bảng, vào đấu chéo ở vòng bán kết, tìm ra 2 đội mạnh nhất vào Chung kết. Trong giải đấu, các đội đăng ký và thi đấu trong các trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Các cầu thủ thi đấu trên sân bóng 7 người theo Luật Bóng đá 7 người do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành. Giải đấu diễn ra từ ngày 27/10 đến ngày 31/10/2024.

Những cô gái dân tộc Sán Chỉ mặc váy đen, áo xanh đá bóng đã tạo nên "thương hiệu" cho Bình Liêu - Quảng Ninh. Phong trào đá bóng nữ ở Bình Liêu khởi phát cách đây khoảng 10 năm, khi địa phương phục dựng lễ hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ.

Tuy nhiên, quy định bắt buộc là các nữ cầu thủ ra sân phải mặc trang phục của dân tộc mình. Phụ nữ Sán Chỉ ra sân mặc trang phục truyền thống là váy đen, áo xanh và không đánh số. Để phân biệt, các đội phải mặc áo màu đậm hoặc nhạt, hoặc nếu đội này vấn khăn thì đội kia sẽ để đầu trần…

Các giải đấu thường được tổ chức vào dịp lễ hội Soóng Cọ (16/3 Âm lịch) và các lễ tết khác trong năm. Từ Húc Động, phong trào bóng đá nữ cũng lan tỏa sang các địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh như huyện Tiên Yên, thành phố Móng Cái.