Chưa từng có, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng ngày 29/9, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
GDP quý III giảm 6,17%, sâu nhất trong lịch sử. (Ảnh minh họa)
GDP quý III giảm 6,17%, sâu nhất trong lịch sử. (Ảnh minh họa)

Trong các khu vực kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, còn khu vực dịch vụ giảm tới 9,28%. Kết quả này khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 và cũng là mức thấp nhất trong hơn thập kỷ gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Ngược lại, khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Ngành xây dựng giảm 0,58%.

Dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong ba khu vực của nền kinh tế. Tăng trưởng âm trong 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1%, ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%. Ngược lại, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 308.800 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ tiêu này với quý III giảm hơn 28%, đạt 915.700 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7%.

Về tác động của COVID-19 đến các doanh nghiệp, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Tính trung bình một tháng, có đến 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Đọc thêm