Chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn

(PLVN) - Thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị kết nối nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đồng thời theo dõi sát sao nguồn hàng các mặt hàng bình ổn giá.
Dự báo nhu cầu hàng hóa cuối năm và dịp Tết Giáp Thìn sẽ không tăng đột biến.

Nhiều địa phương lên kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hóa

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp (DN), hiện một số địa phương, DN đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có những địa phương đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường trong cả năm như TP Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh… Một số tỉnh, thành phố khác đang xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân với giá cả hợp lý.

Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngoài các nguồn hàng truyền thống hàng năm, Tết Giáp Thìn sắp tới, Hà Nội sẽ được bổ sung thêm nguồn hàng từ Tây Ninh khi quyết định đưa đoàn DN đến Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm của Tây Ninh vào thị trường Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô; Đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Song song đó, sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố vào các điểm bán này. Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai đề án tăng cường quản lý cửa hàng trái cây với mục đích cấp biển nhận diện cửa hàng theo yêu cầu của đề án chuyên doanh về trái cây.

“Trong tháng 10, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hoá địa phương vào Hà Nội để bảo đảm nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ, như các năm trước, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung hàng hoá, Đà Nẵng cũng sẽ lên phương án bình ổn thị trường. Điểm đặc biệt trong năm nay là không chỉ bình ổn mặt hàng thịt heo mà còn bình ổn nhiều loại hàng hoá khác.

Theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong quý III/2023, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 DN tham gia với 7.000 chương trình giảm giá. Trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia chương trình này để tăng thêm nguồn hàng khuyến mãi vào dịp cuối năm cho người tiêu dùng.

Đồng thời TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các DN phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Thêm nữa, liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để bảo đảm nguồn cung hàng hoá cho cuối năm và dịp Tết.

Đẩy mạnh kích cầu, tăng cường giám sát thị trường

Ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, các địa phương cũng đều đã có kế hoạch tổ chức theo dõi sát sao diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu. Theo báo cáo từ các DN đầu mối, dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn cung xăng, dầu vẫn ổn định, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, số dư Quỹ Bình ổn giá đang ở mức trên 7.000 tỷ đồng. Đây là số dư cao nên trong điều kiện cần thiết sẽ có thể sử dụng để can thiệp vào giá, nhằm bảo đảm bình ổn thị trường chung dịp cuối năm.

Bà Lê Việt Nga thông tin, qua theo dõi thị trường cho thấy, trong thời gian tới giá cả hàng hoá thiết yếu trong nước sẽ không có biến động bất thường. Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song, giá không tăng cao và bất thường... Ngoài ra, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn luôn cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5 - 10%. Một số hệ thống phân phối lớn cũng đã cam kết sẽ có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Đáng chú ý, theo bà Nga, năm nay người dân, nhất là những hộ có thu nhập trung bình sẽ có xu hướng tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu; Các cửa hàng, chợ, siêu thị vẫn mở cửa xuyên các dịp lễ hoặc mở cửa trở lại sớm sau Tết nên dự báo nhu cầu về lượng hàng hóa sẽ không tăng đột biến.

Để góp phần bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng, dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Đồng thời, chỉ đạo các DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền đặc biệt là các nhóm mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.