Tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử tại Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 5/11, Sở Công Thương TP Hải Phòng phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức Lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu quy định pháp luật về thương mại điện tử; chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến.
Hơn 300 đại biểu từ các Sở, ngành, đơn vị, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và hợp tác xã đã tham gia chương trình tập huấn.
Hơn 300 đại biểu từ các Sở, ngành, đơn vị, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và hợp tác xã đã tham gia chương trình tập huấn.

Hơn 300 đại biểu từ các Sở, ngành, đơn vị, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và hợp tác xã đã tham gia chương trình tập huấn cung cấp kiến thức về thương mại điện tử, các hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực này, cũng như những xu hướng thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số. Mục tiêu của chương trình tập huấn nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân nâng cao kỹ năng và kiến thức, đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt hơn chức trách của mình.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng nhấn mạnh, mặc dù thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội phát triển và mở rộng thị trường, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tại Hải Phòng, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những khó khăn này bao gồm việc thiếu thông tin về chính sách, quy định pháp luật; không đủ kỹ năng marketing trong thương mại điện tử; và những hạn chế trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh và bảo vệ thương hiệu trực tuyến. Lớp tập huấn sẽ hỗ trợ việc ứng dụng thương mại điện tử một cách rộng rãi, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành phát biểu khai mạc.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành phát biểu khai mạc.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe giảng viên từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử giới thiệu về tổng quan thương mại điện tử và pháp luật liên quan tại Việt Nam. Nội dung bao gồm các hành vi vi phạm phổ biến, quy trình thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, cũng như cách thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada, và các mạng xã hội như Facebook, TikTok. Các học viên cũng được thực hành các kỹ năng như Livestream bán hàng và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào kinh doanh.

Trong những năm qua, dù kinh tế toàn cầu và khu vực gặp khó khăn, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 ước tính đạt trên 25% so với năm 2022, với tổng doanh thu lên tới 25 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

Tại Hải Phòng, doanh thu từ thương mại điện tử những năm qua chiếm khoảng 16-18% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn TP, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 23-25% mỗi năm. Hàng năm, có từ 55-60% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.