Phiên tòa được mở do bản án sơ thẩm của TAND tuyên có kháng nghị của Viện kiểm sát, kháng cáo của các bị cáo và các đơn vị liên quan.
Trước đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM) 8 năm tù; bà Lê Thị Thanh Thuý (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm) 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh trên, các bị cáo gồm Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP HCM), Nguyễn Thành Nam (cựu Bí thư Quận ủy quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất Sở TN&MT) lĩnh án từ 3-5 năm tù.
Bản án sơ thẩm xác định, khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn có diện tích gần 5.000m2 nằm ở vị trí đắc địa là tài sản nhà nước, thành phố có chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh. Tuy nhiên, ông Tài đã ký nhiều văn bản sai quy định, chủ trương của thành phố; chấp thuận cho doanh nghiệp của Thuý tham gia thực hiện dự án.
Các bị cáo Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Nguyễn Hoài Nam đã tham mưu cho ông Tài ký các quyết định cho thuê đất, giao đất trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí cho Nhà nước trên 1.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử buộc 5 bị cáo liên đới bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng thiệt hại, tuyên tịch thu số tiền Công ty Hoa Tháng Năm đã góp vốn với Công ty Lavenue nộp lại ngân sách nhà nước. Hội đồng xét xử cũng tuyên duy trì kê biên nhiều nhà, đất của các bị cáo để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Trong đơn kháng cáo, ông Tài cho rằng, thời điểm năm 2007 đến năm 2011, tình hình kinh tế suy thoái, khủng hoảng tài chính, trong khi TP HCM là trung tâm kinh tế nên gặp nhiều sức ép. Thành ủy TP HCM đã chủ trương tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là về bất động sản. Bản thân ông Tài mong muốn có nhà đầu tư vào dự án sớm, tạo nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm, thu hút khách du lịch... nên đã đưa ra các chỉ đạo nhanh.
Trong đơn kháng cáo, cựu Phó Chủ tịch Thường trực TP HCM cũng mong muốn cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm hình sự cho ông.
Về phía Lê Thị Thanh Thúy cũng có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng bản án sơ thẩm quy kết ông Tài tin tưởng, nể nang mối quan hệ quen biết với bà Thúy nhưng không chứng minh được và cho rằng tòa sơ thẩm xác định chưa đúng thiệt hại vụ án. Theo nội dung kháng cáo, không thể thẩm định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án vì cơ quan tố tụng không thể định giá nhà, đất 12 Lê Duẩn gộp với số 8 Lê Duẩn được. Lý do là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất với khu đất số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng hàng năm với số 12 Lê Duẩn. Hai hình thức này khác nhau.
Bà Thúy cũng nêu rằng, quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 647 tỷ đồng (từ năm 2007 đến nay), trong khi dự án thì không triển khai. Mặc khác, án sơ thẩm tuyên thu hồi đất 8-12 Lê Duẩn là vụ án nếu có thiệt hại thì đã khắc phục hoàn toàn. Trong khi đó, việc xác định thiệt hại là cơ sở xác định trách nhiệm của các bị cáo.
Còn Công ty Hoa Tháng Năm thì kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm tuyên tịch thu công quỹ trên 189 tỷ đồng của công ty này là chưa thấu tình, đạt lý. Bởi Công ty Lavenue có nhiều cổ đông góp vốn, có quyền và nghĩa vụ bình đẳng. Công ty Hoa Tháng Năm không được hưởng ưu ái hay khoản lợi nào riêng, nhưng lại là đơn vị duy nhất phải chịu trách nhiệm. Liên quan vụ án trên, Tập đoàn KIDO (đơn vị sở hữu 50% vốn tại Công ty Lavenue) cũng có đơn kháng cáo với mong muốn tiếp tục triển khai dự án.