Chuẩn bị tâm lý cho con thế nào khi quay lại trường học?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ ngày 6/4, học sinh từ 1 đến lớp 6 tại 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội sẽ đi học trực tiếp trở lại. Sau một thời gian dài học online tại nhà, khi con quay trở lại trường học, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ như thế nào?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian vừa qua, khi học trực tuyến, trẻ bị gò bó ở môi trường hẹp, không có cơ hội tương tác với bạn bè và thầy cô, trong khi theo sự phát triển của lứa tuổi thì nhu cầu giao lưu và các hoạt động tập thể khá cao.

Ngoài ra, cách thức học và kiểm tra bằng hình thức trực tuyến khác so với phương pháp truyền thống cũng làm cho trẻ dễ bị lo lắng, căng thẳng. Đây có thể xem là những stress đối với trẻ và khi stress xảy ra thường xuyên, liên tục sẽ dẫn đến các rối loạn tâm lý.

“Cuộc sống xung quanh trẻ vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần. Việc học online ở nhà làm thúc đẩy tình trạng xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý tâm thần và thúc đẩy vấn đề tâm lý trầm trọng hơn”, TS Loan chia sẻ.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động tâm lý nhất do đang trong quá trình hình thành nhân cách, do đó dễ mắc các rối loạn như lo âu, trầm cảm, phản ứng stress cấp, rối loạn phân ly. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và tâm lý của cha mẹ, đây cũng là nguyên nhân gây nên các vấn đề về tâm lý của trẻ.

Ngoài ra, khi trẻ phải thường xuyên ở trong nhà, ít được vận động thể chất có thể gây tăng cân, và tăng sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi dẫn đến nghiện game, sao nhãng việc học tập.

Trẻ có thể gặp những vấn đề tâm lý gì khi quay trở lại trường học?

Cũng theo TS Loan, khi đi học trở lại, cuộc sống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi do trước đó trẻ đã ở nhà trong một thời gian dài. Tuỳ độ tuổi, tâm lý của trẻ sẽ có sự biến động khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác.

Với một số trẻ nhỏ cấp tiểu học, trẻ đã quen với việc học ở nhà, có bố mẹ chăm sóc, bao bọc, kèm cặp thì tới đây, khi đến trường học, trẻ phải làm quen với môi trường mới. Trẻ sẽ không còn là trung tâm của mọi hoạt động vì một cô giáo sẽ cùng chăm sóc cho nhiều bạn. Đây cũng là một sang chấn tâm lý đối với trẻ, khiến trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong thời gian đầu mới quay trở lại trường.

Ở lứa tuổi THCS, THPT, việc trở lại trường học có phần dễ dàng hơn vì trước đó, trẻ đã có thời gian dài học trực tiếp, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu mới đi học trở lại, trẻ cũng sẽ gặp những khó khăn trong việc tái hoà nhập cộng đồng, với những tương tác trực tiếp cùng bạn bè trong lớp.

Để trẻ có thể đến trường một cách an toàn và nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường mới thì vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ ngoài trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để phòng dịch thì cần chuẩn bị cho trẻ về mặt tâm lý trước và trong những ngày đầu đi học lại.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ – Yếu tố quan trọng giúp trẻ quay lại trường tốt nhất

Theo TS. BS Đỗ Minh Loan, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ trước khi đến trường là hết sức cần thiết. Nhiều trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập, vui chơi giao lưu cùng thầy cô, bạn bè.

Hãy cho trẻ biết một số vấn đề có thể gặp phải khi quay trở lại trường học như:

Phải dậy sớm hơn để có thời gian vệ sinh cá nhân, chuẩn bị quần áo, cặp sách đi học vì thế cần đi ngủ sớm hơn để đảm bảo đủ thời gian ngủ, tránh bị mệt mỏi, buồn ngủ khi đến lớp.

Có thể sẽ ăn bán trú ở trường, thức ăn sẽ được nấu và chế biến khác với đồ ăn do cha mẹ chuẩn bị ở nhà.

Trao đổi và cùng trẻ xây dựng thời gian biểu cho việc học tập và sinh hoạt hàng ngày phù hợp với việc học trực tiếp ở trường.

Cung cấp cho con thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất về dịch bệnh, tránh cho con tâm lý hoang mang, lo lắng khi đến trường học trực tiếp.

Hướng dẫn con các quy tắc phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và sát khuẩn tay để đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn bè, thầy cô.

Cha mẹ nên theo sát con đặc biệt là trong 1-2 tuần đầu con đi học, nếu có vấn đề tâm lý bất thường cần tâm sự trò chuyện với trẻ để có thể tư vấn cho con hợp lý.

Trẻ em ở độ tuổi tiểu học có thể gặp tính trạng dễ sợ hãi, hung hăng, đeo bám, gặp ác mộng, trốn học, kém tập trung, và rút lui khỏi các hoạt động và bạn bè.

Trẻ Vị thành niên có thể bị rối loạn ăn và ngủ, kích động hoặc buồn bã, gia tăng xung đột, phàn nàn về thể chất, từ chối đi học, kém tập trung trong việc học tập.

“Quá trình thích nghi cần một thời gian do đó cha mẹ cũng không nên trầm trọng hoá vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng mà chỉ để trẻ hiểu rằng đó là những kỹ năng, cách thức bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh”, TS Loan nhấn mạnh.

COVID-19 đã tác động không nhỏ tới nền giáo dục của Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, cha mẹ hãy quan tâm đến con trẻ nhiều hơn để có những phương pháp hỗ trợ cho trẻ kịp thời và đúng cách nhất.

“Luôn khuyến khích con học tập, trở thành bạn thân thiết của con để chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong học tập. Bởi học tập là một quá trình dài, cha mẹ không nên quá áp đặt hay trách mắng trẻ. Hãy học cùng con, chơi cùng con và giúp con quay lại trường lớp sau dịch bệnh một cách thoải mái, an toàn và khỏe mạnh nhất. Khi thấy con có biểu hiệu bất thường về tâm lý mà cha mẹ không thể giải quyết được cho con thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ. Tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con sau này”, TS Loan khuyến cáo.

Đọc thêm