Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý – tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP HCM chia sẻ: “Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý – tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng”.
Hình ảnh cháu bé 16 tuổi tự tử được camera ghi lại.
Hình ảnh cháu bé 16 tuổi tự tử được camera ghi lại.

Ngày 1/4 vừa qua, sự việc nam sinh cấp 3 nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất tại quận Hà Đông (Hà Nội), với đoạn thư tuyệt mệnh để lại đã khiến dư luận vô cùng bàng hoàng xót xa. Cơ quan chức năng bước đầu xác định nạn nhân là L.N.N.M (16 tuổi), trú tại một căn hộ tầng 28 tòa V1 chung cư Văn Phú Victoria. Nạn nhân đang học lớp 10 của một trường THPT có tiếng tại Hà Nội và có biểu hiện trầm cảm.

Theo camera an ninh của căn hộ ghi lại, vụ việc xảy ra vào rạng sáng 01/4, trước khi tự vẫn, nam sinh và bố có nói chuyện lời qua tiếng lại. Một lúc sau đó, thanh niên mở cửa đi ra ngoài ban công, dặn bố đọc bức thư để lại trên bàn. Trong lúc ông bố đang đọc, bất ngờ cậu con trai đứng lên thành rồi lao ra phía ngoài. Chứng kiến giây phút ấy, người cha hốt hoảng chạy ra, gào tên con trong sự bất lực.

Buồn chuyện gia đình, áp lực học tập, không được đáp ứng một yêu cầu nào đó... đều có thể là lý do cho những sự việc đau lòng. Đáng nói là nhiều biểu hiện của tình trạng trầm cảm trong lứa tuổi học đường thường bị bỏ qua do đánh đồng với những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi.

Cần phải khách quan để thấy rằng dân số tăng, số lượng bệnh nhân ở hầu hết bệnh lý cũng đều tăng theo, không riêng gì bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại kéo theo những áp lực của cuộc sống, những rối loạn về sức khoẻ tâm thần không ngừng gia tăng. Suốt thời gian dài qua, chung ta thường nghĩ trầm cảm chỉ xảy ra ở người lớn. Còn các bạn trẻ, thanh thiếu niên dễ bị nhầm lẫn triệu chứng trầm cảm của họ với tâm trạng buồn vui thất thường hay phản ứng của tuổi mới lớn. Đừng để con trẻ phải “đơn độc” trong cuộc chiến chống trầm cảm.

“Trong hai thập kỷ trở lại đây, qua các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, trầm cảm là vấn đề sức khoẻ tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước thu nhập trung bình thấp và gia tăng theo từng năm. Hơn một nửa trường hợp đau lòng ở độ tuổi thanh thiếu niên được báo cáo mắc chứng rối loạn trầm cảm tại thời điểm xảy ra sự việc. Những thông tin gần đây trên báo đài cho chúng ta cảm thấy sự việc xảy ra đột ngột, nhưng thực ra đó đều là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn trong đời sống tinh thần. Nhưng có thể những người xung quanh cha mẹ, bạn bè... chưa kịp nhận ra”, Chuyên gia tâm lý gia lâm sàng Nguyễn Hồng Nhã, Phòng khám Tâm lý – Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP HCM) cho biết.

Có thể nói rối loạn tâm lý – tâm thần cũng giống như các cơn bão vậy. Những sự thay đổi thất thường về mặt cảm xúc, những cơn buồn không lý do, khó có thể tập trung vào những chuyện mình làm hay dần mất hứng thú với điều mình yêu thích là những dấu hiệu đầu tiên. Và khi bão tới thì trời sẽ nổi sấm chớp, nó tựa như những cảm xúc tiêu cực, những hành vi tự gây hại chính mình. Nạn nhân của những rối loạn tâm lý – tâm thần phải hằng ngày, hằng giờ đấu tranh cho chính mình giữa những luồng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, cảm giác tuyệt vọng hay chỉ đơn giản là cắt đứt hết mọi thứ thường là cách mà họ lựa chọn để được giải thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực đó.

Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức chia sẻ: “Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý – tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng. Dù chất chứa nhiều tâm tư, nhu cầu, mong muốn được giãi bày, nhưng các em lại thường chưa biết cách thổ lộ phù hợp. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đôi lúc chưa có nhiều cơ hội, hoặc chưa đủ sức để nắm bắt kịp thời những thay đổi về mặt tâm lý diễn ra bên trong học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời”

Đọc thêm