Chức cao và quyền miễn trừ

Về nguyên tắc, bị cáo vô tội cho tới tận khi bị toà án xét xử tuyên án là có tội. Trong trường hợp người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn bị cảnh sát New York bắt giam với cáo buộc phạm tội hiếp dâm, người ta không thể không có cảm giác như thể cảnh sát Mỹ cố tình làm như thể ông Strauss-Kahn chắc chắn đã phạm tội.

Về nguyên tắc, bị cáo vô tội cho tới tận khi bị toà án xét xử tuyên án là có tội. Trong trường hợp người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn bị cảnh sát New York bắt giam với cáo buộc phạm tội hiếp dâm, người ta không thể không có cảm giác như thể cảnh sát Mỹ cố tình làm như thể ông Strauss-Kahn chắc chắn đã phạm tội. Cũng có thể đó là một kiểu văn hoá đối xử ở Mỹ đối với những nghi can thuộc diện nổi tiếng như ông Strauss-Kahn. Một trong những cái rất không may đối với ông Strauss-Kahn là đã để xảy ra chuyện này ở nước Mỹ.

Ông Strauss-Kahn. 

Ông Strauss-Kahn đứng đầu IMF mà IMF là một thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế. Đối với các vị chức cao quyền rộng của những tổ chức quốc tế lớn thường có quy định rất cụ thể về quyền miễn trừ. Trong phương diện này, người ta phân biệt hai loại quyền miễn trừ là quyền miễn trừ cho các hành động thực hiện chức quyền ấy (còn gọi là quyền miễn trừ về chức năng) và quyền miễn trừ cho các hành động cá nhân (được gọi là quyền miễn trừ cá nhân). Ngay từ khi thành lập Liên Hợp Quốc (LHQ), các nước thành viên đã có quy định về quyền miễn trừ này. Theo đó, những người được hưởng quyền miễn trừ không bị bắt giữ, lục soát và đưa ra xét xử trước toà án, hay còn được gọi là quyền bất khả xâm phạm.

IMF được LHQ coi là một trong những tổ chức chuyên ngành. Trong khi đối với các nhà ngoại giao, Công ước Viên về ngoại giao với quy định cụ thể bảo vệ họ với cả quyền ưu đãi miễn trừ về chức năng lẫn cá nhân, thì LHQ có Công ước về quyền ưu đãi và miễn trừ cho các tổ chức chuyên ngành với quy định là người đứng đầu các Tổ chức chuyên ngành được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ như các nhà ngoại giao (Điều 6, phần 21 của Công ước).  Phụ lục V của Công ước này ghi rõ IMF là một Tổ chức chuyên ngành. Như vậy có nghĩa là ông Strauss-Kahn chừng nào còn đứng đầu IMF thì chừng đó lẽ ra được hưởng mọi quyền ưu đãi và miễn trừ như các nhà ngoại giao.

Cái không may đối với ông Strauss-Kahn là Mỹ tham gia Công ước Viên về quyền ưu đãi miễn trừ trong ngoại giao, nhưng lại không tham gia Công ước của LHQ về quyền ưu đãi và miễn trừ cho các tổ chức chuyên ngành. Vì thế, trên lãnh thổ Mỹ, ông Strauss-Kahn chỉ được hưởng ưu đãi và miễn trừ về chức năng, có nghĩa là liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ là người đứng đầu IMF, chứ không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ về cá nhân mà chuyện ông Strauss-Kahn bị cáo buộc đương nhiên chẳng liên quan gì đến IMF cả. Trong trường hợp này, chức quyền cao đến mấy cũng không cứu được ông Strauss-Kahn.

Mạc Thầy