Chứng chỉ xanh về COVID-19 của Việt Nam: Kỳ vọng sớm được thế giới công nhận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây nhất, Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập hệ thống “Chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19”, của Liên minh Châu Âu (EU). Trong bối cảnh đó, có nhiều kỳ vọng chương trình “Hộ chiếu vaccine” của Việt Nam sẽ sớm được EU và các nước trên thế giới công nhận.
Chứng chỉ xanh về COVID-19 của Việt Nam: Kỳ vọng sớm được thế giới công nhận

Chứng chỉ xanh của Singapore được EU công nhận

Đến nay, EU đã ký kết thỏa thuận công nhận tương đương chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên năm lục địa. Trong đó có các quốc gia bên ngoài EU như Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, Serbia, Ukraine, Albania, Bắc Macedonia hoặc thậm chí các quốc gia nhỏ như Monaco và Andorra. Thổ Nhĩ Kỳ, Panama, Maroc, Israel, Armenia và Gluzia cũng gia nhập hệ thống chứng chỉ xanh của EU về COVID-19. Nhờ vậy, việc du lịch của công dân các nước thành viên EU đến các quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài khối sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của EU là bằng chứng kỹ thuật số về việc một người đã được tiêm vaccine và nhận được kết quả xét nghiệm âm tính hoặc kết quả đã phục hồi từ căn bệnh này.

Theo thông tin mới nhất, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định công nhận các chứng chỉ xanh về COVID-19 do Togo và Singapore cấp là tương đương với chứng chỉ của châu Âu. Kể từ nay, các chứng nhận này có thể được sử dụng ở EU với giá trị tương đương với các chứng chỉ do các quốc gia thành viên EU cấp và ngược lại. Theo Ủy viên Châu Âu phụ trách tư pháp Didier Reynders, Singapore và Togo lần lượt là “quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và quốc gia đầu tiên ở châu Phi cận Sahara được kết nối hệ thống chứng chỉ xanh kỹ thuật số của EU.

Chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của EU là bằng chứng kỹ thuật số về việc một người đã được tiêm vaccine và nhận được kết quả xét nghiệm âm tính hoặc kết quả đã phục hồi từ căn bệnh này. Người được nhận chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid của EU là tất cả công dân EU và thành viên trong gia đình của họ, công dân không thuộc EU đang cư trú tại một quốc gia thành viên và có quyền đi đến các quốc gia thành viên khác.

Đáng nói, hệ thống chứng chỉ kỹ thuật số COVID-19 của EU kể từ khi được áp dụng vào ngày 1/7/2021, đến nay đã được coi là một trong những hệ thống hiệu quả nhất thế giới. Ủy ban Châu Âu đã luôn nhanh chóng cập nhật các quy tắc về phối hợp và đảm bảo di chuyển tự do và an toàn trong khối EU, đặc biệt mỗi khi có những thông tin mới về đại dịch COVID-19. Theo một số cập nhật mới nhất của Ủy ban vào cuối tháng 11, một người có chứng chỉ xanh kỹ thuật số hợp lệ của EU, so với một người không có chứng chỉ này, sẽ không phải trải qua các quá trình kiểm tra hoặc cách ly, bất kể nơi xuất phát của họ ở đâu trong khối EU.

Để tránh việc mỗi quốc gia thành viên áp dụng một kiểu, EC đề xuất thời hiệu tiêu chuẩn của chứng chỉ này là 9 tháng kể từ liều tiêm chủng cuối cùng. Nói cách khác, hết thời hạn này, các quốc gia thành viên có quyền từ chối một người dù có chứng chỉ xanh về COVID -19 hợp lệ. Còn trong thời hạn 9 tháng chứng chỉ xanh vẫn có hiệu lực, các quốc gia thành viên không được từ chối chứng chỉ xanh của các du khách.

Được biết, các tính năng chính của chứng chỉ này bao gồm: định dạng kỹ thuật số và/hoặc giấy tiêm chủng, mã QR, ngôn ngữ sử dụng của quốc gia đó và tiếng Anh, hoàn toàn miễn phí, an toàn và bảo mật, hợp lệ ở tất cả các quốc gia thành viên trong khối EU. Theo đó, toàn bộ những cập nhật mới nhất của Ủy ban Châu Âu sẽ có hiệu lực từ ngày 10/1/2022.

Khi nào Việt Nam được “gọi tên”?

Chương trình hộ chiếu vaccine của Việt Nam bắt đầu giai đoạn thí điểm ở một số tỉnh từ đầu năm nay, để cho phép khách du lịch nước ngoài vào nước ta. Những quy định này cũng góp phần “mở cửa” dần dần nhằm đón khách du lịch trở lại vào năm 2022.

Đến nay, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm Chứng chỉ xanh kỹ thuật số của EU. Bên cạnh đó còn có Thẻ chứng nhận tiêm chủng (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất), Chứng chỉ du lịch quốc tế (Mông Cổ), Chứng chỉ chứng nhận tiêm chủng (Thái Lan), Hồ sơ y tế tiêm chủng COVID-19 (Vương quốc Saudi Arabia), Sổ tiêm chủng quốc tế (Đức)….

Tuy nhiên, có thể thấy, điểm tập trung của chính sách này là hướng vào khách “inbound”, tức là khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch và lưu trú trong thời gian ngắn hoặc người Việt định cư ở nước ngoài hồi hương thăm quê. Còn đối với khách “outbound”, tức là du khách sinh sống ở Việt Nam muốn ra nước ngoài để du lịch, vui chơi, khám phá…; các quy định vẫn còn hạn chế.

Đến nay, “Hộ chiếu vaccine” của Việt Nam vẫn đang được cập nhật và hầu hết các quốc gia đang chờ một mẫu tiêu chuẩn, nhất quán trước khi chính thức công nhận chứng chỉ xanh về COVID do Việt Nam cấp.

Dù vậy, cũng đã có một số tín hiệu tích cực. Đó là vào giữa tháng 11, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Belarus đã thông báo rằng họ sẽ chấp nhận bằng chứng về việc tiêm vaccine đối với những người nhập cảnh được Chính phủ Việt Nam cấp chứng nhận. Chính phủ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và khối ASEAN (Đông Nam Á) cũng đang cân nhắc, xem xét việc chấp nhận “Hộ chiếu vaccine” của Việt Nam để đi du lịch.

Đọc thêm