Dòng tiền lớn đổ về thị trường, kéo theo chứng khoán ồ ạt tăng giá. Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index tăng 11,29 điểm và HNX-Index cũng có thêm 1,65 điểm.
Trên sàn HoSE, ngay đầu giờ hoạt động giao dịch diễn ra rất sôi động, lệnh chào chào mua giá cao “chất đầy” trên bảng điện tử, VN-Index trong đợt 1 tăng một mạch 7,45 điểm và lên mức 577,45 điểm, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng đạt gần 7,8 triệu đơn vị, giá trị tương ứng xấp xỉ 125 tỷ đồng.
Sang đợt giao dịch khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư hào hứng tranh mua, đẩy sắc xanh lan rộng, các nhóm ngành nghề bán buôn-bán lẻ, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, công nghệ-thông tin lần lượt tăng giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường, ngoại trừ hai mã MSN, VNM đi ngang ở thời điểm cuối phiên, còn lại các mã VNM, VBH, BID, GAS…đã đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó mã BVH tăng giá kịch trần và đóng cửa tại mức giá 51.000 đồng/cổ phiếu.
Quay lại diễn biến thị trường trong phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 11,29 điểm (+1,98%) và lên mức 581,29 điểm. Thanh khoản đạt 179 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 3.024 tỷ đồng.
Chỉ số VN30 chốt phiên tăng 11,19 điểm (+1,9%) và lên mức 599,92 điểm. Thanh khoản đạt 74 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 1.524 tỷ đồng.
Bên phía sàn Hà Nội, chốt phiên chỉ số HNX-Index tăng 1,65 điểm (+2,09%) và lên mức 80,47 điểm. Thanh khoản đạt 60 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch gần 652 tỷ đồng.
Chỉ số HNX30 đóng tăng 3,88 điểm (+2,65%) và lên mức 150,3 điểm. Thanh khoản đạt 29 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch là 335 tỷ đồng.
Tuy nhiên trái với xu hướng chung, chỉ số UpCoM-Index đóng cửa giảm 0,03 điểm và xuống mức 51,13 điểm (-0,05%). Khối lượng giao dịch đạt gần 2,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 21 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Hợp, Phó phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội nhận định, thị trường chứng khoán có phiên đại “nhảy vọt” là nhờ tác động tâm lý từ thông tin TPP chính thức đạt được thỏa thuận sau hơn 5 năm đàm phán với 12 nước tham gia.
“Có thể nói đây là một cú hích giúp tạo đà cho thị trường bật tăng trở lại sau quãng thời gian dài đi ngang, tích lũy trong biên độ rất hẹp, do dòng tiền luôn ở trong trạng thái thận trọng khi chịu tác động từ những thông tin bất lợi liên quan tới tình hình kinh tế Trung Quốc và áp lực rút vốn liên tục của dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi,” ông Hợp nói.
Theo đánh giá chung từ các chuyên gia kinh tế, TPP là sự kiện lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây của Việt Nam tính từ thời điểm Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Hiệp định này liên kết này mở ra thị trường rộng lớn chiếm 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu và GDP của các quốc gia thành viên chiếm 40% toàn thế giới, thông qua các mục tiêu xóa bỏ rào cản thuế quan và các loại rào cản hàng hóa, dịch vụ giữa các nước thành viên.