Dù VN - Index kết tuần tăng điểm nhẹ nhưng thanh khoản ngày càng “teo tóp” khiến động lực tăng trưởng của thị trường yếu đi.
Vì vậy, tuần tới xu hướng giằng co, đi ngang trong biên độ hẹp có thể còn tiếp diễn và khả năng VN - Index vượt 1.000 điểm còn bỏ ngỏ.
Kết thúc tuần giao dịch qua (từ 21 – 25/10) , VN - Index tăng 7,37 điểm lên 996,57 điểm; HNX - Index giảm 0,769 điểm xuống 104,71 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 3.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Việc thanh khoản sụt giảm cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư. Trong bối cảnh các thông tin tốt, xấu đan xen từ thị trường thế giới có thể tiếp tục khiến giới đầu tư thận trọng hơn trong tuần tới. Bên cạnh đó, khi VN - Index tiếp cận vùng điểm 1.000 điểm, cũng là yếu tố cộng hưởng khiến giới đầu tư càng thận trọng trong giao dịch.
Thực tế, thị trường chứng khoán thế giới và trong nước đang chịu ảnh hưởng lớn từ thông tin từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất và những lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Ngày 25/10, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang gần hoàn tất một số điều khoản của thỏa thuận thương mại song phương sau cuộc điện đàm giữa các trưởng đoàn đàm phán của hai bên.
Hai bên đã đạt tiến triển trong nhiều vấn đề cụ thể và hai bên đang gần hoàn tất một số điều khoản của thỏa thuận này. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra ở cấp phó và những người đứng đầu đoàn đàm phán của hai bên sẽ có một cuộc điện đàm khác trong tương lai gần.
Thông tin này đã ngay lập tức hỗ trợ đà tăng cho thị trường chứng khoá, đẩy chỉ số S&P 500 lên gần mức cao kỷ lục đạt được hồi tháng Bảy.
Khép phiên giao dịch cuối tuần (25/10), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,57% lên 26.958,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,41% lên 3.022,55 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,7% lên 8.243,12 điểm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn còn những lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Trong một cuộc thăm dò ý kiến do hãng Reuters tiến hành, các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm mạnh hơn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều khả năng hơn là sự phục hồi đồng bộ, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương tung ra các chương trình nới lỏng tiền tệ.
Xét đến nội tại thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có diễn biến khá tích cực với sự tăng giá mạnh của các mã lớn trong nhóm này như: VCB tăng 3,5%, HDB (3,4%), CTG (1,9%)…
Tuy nhiên, trong nhóm này vẫn còn những mã giảm giá mạnh như: TCB giảm 2,2%, TPB (1,3%), ACB (2,1%), EIB (0,3%)...
Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh ở các mã vốn hóa lớn, trong khi các mã vốn hóa nhỏ hơn thì giảm giá. Diễn biến này là khá tương đồng với thị trường chung, cho thấy sự giằng co vẫn đang diễn ra.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tương tự. Trong khi, GAS tăng 1,3%, PVS (1,6%), PVB (0,5%) thì PLX lại giảm 0,2%, PVD (0,9%), POW (0,7%).
Xét đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VNM tăng 1,5%, SAB (1,6%), VJC (4,9%), FPT (1,6%), VRE (2%), HPG (2%)... Trong khi đó, VHM giảm 1,2%, MSN giảm 1,8%...
Qua đó có thể thấy, dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có nhiều mã tăng giá nhưng vẫn còn những mã vốn hóa rất lớn ở chiều giảm giá. Điều này chứng tỏ xu hướng tăng điểm chưa tạo được sự đồng thuận. Có lẽ tuần tới, diễn biến của thị trường sẽ nghiêng về kịch bản nhóm vốn hóa lớn diễn biến giằng co và đi ngang.
Một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong thời gian qua là việc khối ngoại liên tục bán ròng. Trong tuần qua, trên toàn thị trường khối ngoại bán ròng 185,6 tỷ đồng cổ phiếu.
Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại bán ròng 124,7 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 36 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 23 tỷ đồng.
Với diễn biến thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, vấn đề lớn của thị trường là thanh khoản. Theo đó, để thị trường tăng điểm thì thanh khoản cần được cải thiện.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt: “VN - Index tiếp tục tăng điểm để tiếp cận vùng kháng cự 997-1.000 điểm một lần nữa. Có thể nhận thấy mức độ tăng điểm là không mạnh cũng như dòng tiền thiếu sự lan tỏa trên diện rộng. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng và nghi ngờ của nhà đầu tư khi mà khả năng vượt 1.000 điểm vẫn còn bỏ ngỏ.”
Có góc nhìn khá tương đồng, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS cho rằng, nếu dòng tiền được cải thiện trong các phiên tới, xu hướng tăng trưởng của thị trường sẽ được củng cố vững chắc.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt và nhóm cổ phiếu được phát hành chứng quyền tiếp tục hút được dòng tiền sẽ là nhân tố giúp thị trường có cơ hội quay lại mốc tâm lý 1.000 điểm.
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nhận định, có sự giằng co nhất định giữa bên mua và bên bán trên thị trường, chưa có sự đồng thuận thực sự về một hướng. Thanh khoản trong thời gian tới sẽ cần được cải thiện nếu như muốn xu hướng tăng được củng cố và duy trì.
Trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 28/10 – 1/11), thông tin quốc tế được mong chờ nhất có lẽ là cuộc họp của Fed để quyết định về việc có tiếp tục hạ lãi suất không sẽ được thông báo kết quá vào sáng thứ 5 ngày 31/10 (theo giờ Việt Nam)./.