20 năm- 7,7 triệu tỷ đồng được mua bán, trao đổi trên HOSE

(PLVN) -Đây là con số vừa được Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) công bố nhân kỳ niệm 20 năm vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Con số này tương đương hơn 339 tỷ chứng khoán…
20 năm- 7,7 triệu tỷ đồng được mua bán, trao đổi trên HOSE

Khai trương hoạt động vào ngày 20/7/2000 và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, Trung tâm GDCK TP.HCM  – tiền thân của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) – là thị trường giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam. 

Qua 20 năm hoạt động, có tổng cộng 483 mã cổ phiếu, 09 chứng chỉ quỹ đóng, 478 trái phiếu, 04 chứng chỉ quỹ ETF, 165 chứng quyền có bảo đảm tham gia niêm yết mới và 103 mã cổ phiếu, 06 chứng chỉ quỹ, 81 trái phiếu và 89 chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết. Tổng giá trị chứng khoán được mua bán trao đổi qua HOSE sau 20 năm đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng (hơn 339 tỷ chứng khoán).

Tính đến ngày 30/6/2020, HOSE có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 03 chứng chỉ quỹ đóng, 04 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP. Có 74 công ty chứng khoán thành viên với hơn 2,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư.

Các công ty niêm yết trên Sở là các công ty lớn, đầu ngành, có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định. 03 ngành có tỷ trọng cao nhất trên HOSE bao gồm ngành Tài chính, Bất động sản và Tiêu dùng thiết yếu chiếm hơn 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường. 

Có 23 DN có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE trong đó có10 ngân hàng, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của HOSE trong việc thu hút niêm yết và giao dịch cổ phiếu của các công ty lớn của nền kinh tế. Top 10 DN nộp thuế nhiều nhất theo thống kê của Tổng cục thuế năm 2018 có đến 5 công ty niêm yết bao gồm GAS, VCB, TCB, VNM, BID.

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc ra đời của TTGDCK TP.HCM đã chính thức đưa TTCK Việt Nam đi vào hoạt động có tổ chức với mục tiêu xây dựng một kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. 

Tuy nhiên, sau 20 năm vận hành TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ, khoảng cách với các Sở trong khu vực vẫn còn khá xa. Quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam mới gần bằng 1/5 thị trường Phillippines, 1/7 thị trường Indonesia và 1/8 thị trường Thái Lan. Quy mô vốn hóa TTCK trên GDP còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối. 

“Phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên thị trường là một thách thức không nhỏ với HOSE và với các thành viên thị trường..." - Lãnh đạo HOSE nhìn nhận.

Theo phương hướng phát triển giai đoạnh 2020- 2025, TTCK Việt Nam trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại DN nhà nước, quy mô thị trường cổ phiếu 120% GDP vào năm 2025; Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.

Cùng với đó, hoàn thiện bộ máy, mô hình hoạt động và quản trị theo thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành thị trường. Hỗ trợ quá trình thành lập Sở GDCK Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện phân bảng thị trường theo tiêu chí về quy mô, chất lượng hoạt động, thanh khoản

Đặc biệt, cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm trên TTCK; triển khai các sản phẩm mới, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thì mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao minh bạch, chất lượng công ty niêm yết, hướng đến chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6 đang được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và HOSE đặc biệt quan tâm.

Đọc thêm