Chung tay bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức Hội nghị Bảo tồn hệ sinh thái san hô ven biển Phú Yên và tổng kết dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến”.
Lực lượng thanh niên chung tay bảo vệ môi trường biển Hòn Yến (ảnh: Mỹ Bình).
Lực lượng thanh niên chung tay bảo vệ môi trường biển Hòn Yến (ảnh: Mỹ Bình).

“Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến” là dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã triển khai vào tháng 8/2020 gồm 3 mục tiêu chính với 32 hoạt động.

Sau 2 năm triển khai, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, hoạt động của dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến” đề ra. Từ dự án này, người dân địa phương được giao quyền quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái san hô Hòn Yến. Bước đầu, nhận thức cộng đồng dân cư có những chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), không vứt rác, chất thải bừa bãi xuống biển, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sạch đẹp, xóa được các tụ điểm đổ rác thải không đúng nơi quy định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tiến sĩ Hoàng Thị Thùy Dương - Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đánh giá, Phú Yên có nhiều đầm phá, vịnh và sự phong phú về các loại hình nền đáy nên các hệ sinh thái biển Phú Yên có những đặc trưng rất riêng biệt. Chỉ tính riêng rạn san hô, khu vực bờ biển Phú Yên có gần 60 loài thuộc 23 họ. Tại khu vực Hòn Yến, đã ghi nhận 22 loài san hô thuộc 7 họ. Hiện trạng cũng cho thấy, các rạn san hô ở đây đã và đang bị tác động do các yếu tố tự nhiên và phần lớn là tác động tiêu cực từ con người.

Bà Dương cho rằng, muốn bảo tồn được rạn san hô Hòn Yến, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng, người dân ven biển. Thực tế đã chứng minh, lực lượng bảo vệ môi trường và các rạn san hô tốt nhất chính là cộng đồng, là những người dân mà cuộc sống của họ gắn liền với biển.

Do vậy, điều đầu tiên, tiên quyết là bảo vệ rạn san hô Hòn Yến khỏi các tác động từ bên ngoài; tôn trọng quá trình phục hồi và phát triển tự nhiên của rạn san hô khu vực. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức quốc tế chung tay giúp địa phương bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến, điển hình như dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến”…

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội nghị.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, kết quả lớn nhất mà dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến” đem lại không chỉ là nâng cao nhận thức, tạo sự quan tâm đúng mức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng đối với việc bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, mà còn thúc đẩy triển khai các giải pháp bảo tồn rạn san hô đi kèm với định hướng khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, tạo sinh kế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân địa phương.

“Bảo tồn quần thể rạn san hô gắn với phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ khu vực Hòn Yến là việc làm hết sức cần thiết không chỉ với riêng xã An Hòa Hải, với huyện Tuy An mà với cả tỉnh Phú Yên. Đây có thể là điểm nhấn, địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch đơn tuyến, liên tuyến đến Phú Yên, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ trong tương lai”, ông Toàn cho biết.

Tại hội nghị, ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện đề án thu phí dịch vụ và tham quan du lịch khu vực Hòn Yến; phương án bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái san hô Hòn Yến. Ông Hổ cũng đề nghị Quỹ Môi trường toàn cầu tạo điều kiện hỗ trợ giai đoạn 2 của dự án nhằm phát triển sinh kế, phát triển du lịch cộng đồng bền vững và bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến.