Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn và buôn bán người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  17.200 em tuổi từ 10 đến 24 được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động của dự án Em Vui - một dự án nhằm tăng cường nhận thức của thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số.
Các em thanh thiếu niên nơi bản làng Quảng Bình. (Ảnh Em Vui)
Các em thanh thiếu niên nơi bản làng Quảng Bình. (Ảnh Em Vui)

“Người quê mình “ưng” có nghĩa là yêu và cưới

Em H.T.Ư, sinh năm 2002 tại một xã ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị lấy chồng là K sinh năm 2001 ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào ngày 21/05/2020, em H.T.Ư đến đăng ký khai sinh cho con của mình tại UBND xã nơi cư trú của em. Tại đây, công chức tư pháp - hộ tịch của UBND xã tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn giải thích cho em Ư về quy định pháp luật. Cán bộ tư pháp hỏi em: “Thế từ trước tới nay em có được tuyên truyền về các vấn đề tảo hôn, hậu quả của việc tảo hôn và có được tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên hay không ?”, Ư trả lời: “Có được nghe tuyên truyền qua các kênh thông tin nhưng vẫn còn chưa hiểu lắm, vả lại người trên quê mình nếu “ưng” có nghĩa là “yêu” là về ở với nhau như vợ chồng thôi, không lo gì cả”…

Sau khi tư vấn, giải thích, cán bộ tư pháp - hộ tịch đã đăng ký khai sinh cho em bé theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền trẻ em sinh ra là có quyền được đăng ký khai sinh. Song bên cạnh đó cán bộ cũng giải thích cho em hiểu rằng: việc đăng ký khai sinh cho trẻ sẽ không có tên cha trong giấy khai sinh vì người cha này chưa đủ tuổi theo quy định của luật.

Xã X là một trong những xã nghèo của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đời sống người dân ở đây phụ thuộc vào nương sắn, vườn chuối. Đất khô cằn sỏi đá nên chất lượng cây trồng ở đây cũng giảm sút dần. Trẻ em lớn một chút là phải lên nương rẫy để phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Cha mẹ hầu như không nhớ tuổi của con mình, chỉ cần lớn chút là gả chồng, lấy vợ. Đa số những “cặp vợ chồng trẻ” đều không thể đăng ký kết hôn.

Theo cán bộ địa phương, hiện tại tảo hôn là vấn đề nhức nhối ở các xã miền núi và thực trạng này vẫn đang diễn ra. Phong tục “đi sim” (đi hẹn hò, tìm bạn gái) để kết bạn và để trai gái tìm hiểu nhau đã không còn giữ được ý nghĩa truyền thống của nó. Bởi nhiều bạn trẻ trong khi “đi sim” đã có quan hệ tình dục, dẫn đến tình trạng nhiều em gái ở độ tuổi trung học cơ sở đã phải nghỉ học giữa chừng để lấy chồng vì lỡ mang thai… Điều đáng buồn là cha mẹ của các em không hướng dẫn các em mà còn đồng ý cho các em kết hôn sớm: “Hắn thích thì hắn lấy chồng” (Lời kể của một ông bố có con tảo hôn).

Năm 2022, tại một số xã huyện Hướng Hóa do thực hiện giãn cách để phòng ngừa COVID-19, các em được nhà trường cho nghỉ học dài ngày. Ở độ tuổi này, thấy bạn có người yêu các em cũng muốn có để tỏ ra mình không thua kém bạn bè. Và đối với các em điều này chỉ đơn giản là muốn có bạn trai, bạn gái để yêu nhau nhưng đến khi gặp trường hợp đã mang thai thì khó có thể vận động được. Thực tế đã có một em đã liều mình uống thuốc trừ cỏ chỉ vì bị ngăn cản lấy chồng sớm.

Theo phong tục của người dân nơi đây, nếu các em ưng nhau thì dù còn chưa đủ tuổi gia đình vẫn cho các em kết hôn. Một lý do khiến cho việc ngăn cản tảo hôn ở xã thuộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình) khó khăn là khi đến tuổi dậy thì, các em đã yêu nhau thì nhất định muốn được về ở với nhau. Bố mẹ không thể khuyên con được vì nếu ngăn cản chúng lại đòi uống thuốc độc hay treo cổ tự tử. Đồng bào ở đây nếu yêu ai đó thì chỉ muốn người đó chắc chắn phải là của mình. Tư tưởng chiếm hữu của họ rất cao, họ không chấp nhận rủi ro, cứ phải lòng là muốn người kia làm vợ, làm chồng của mình ngay.

Muôn hình cạm bẫy buôn người

Đi làm thuê bên kia biên giới thì dễ kiếm tiền hơn, đó là mánh khóe mà bọn buôn người thường hay sử dụng để lừa gạt. H.T.M là người cùng bản với H và cùng sinh năm 1995. M vốn làm thuê ở Campuchia từ lâu và yêu một người đàn ông bên đó - là nhân viên của một sòng bạc. Vì vậy, khi tên này xúi M tìm người Việt Nam để hắn bán cho vào các sòng bài lấy tiền môi giới thì M đã đồng ý ngay.

Tháng 5 năm 2019, M rủ H sang Campuchia làm thuê. Tại cửa khẩu, M giao H cho người yêu của mình và một người phụ nữ khác. M nhận được 10 triệu từ người phụ nữ đó. Sang tới bên kia biên giới, hai người kia đã bán lại H cho một sòng bạc. Sau một thời gian làm việc cực nhọc và không được trả lương như đã hứa và còn bị đánh đập dã man, nên đến tháng 8/2019, H cùng một số người bạn đã lợi dụng lúc bảo vệ sơ hở đã chạy thoát ra ngoài và được Công an phía Campuchia trao trả về Việt Nam.

Vì bị những kẻ xấu dụ dỗ sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống khá giả, nhàn hạ, một số em gái đang trong độ tuổi cắp sách đến trường đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người qua biên giới mà không hề hay biết. Cũng vì tiền nên bà V đã cấu kết với N và L để dụ dỗ các cô gái trẻ trong xã rồi bán qua biên giới kiếm lời. Biết cháu M, con gái chị T vừa tròn 18 tuổi, vừa học xong phổ thông, đang ở nhà chưa có việc làm, nên bà V nói với chị T cho con gái qua Trung Quốc bán hàng tạp hóa với mức lương hàng tháng là 25 triệu đồng và bao ăn ở.

Tin lời bà V, chị T đã động viên con gái đi theo bà V sang Trung Quốc làm việc. Bà V đã nhờ một người quen đưa M ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi vượt biên qua Trung Quốc và bán cho người đàn ông bản địa làm vợ với giá gần 400 triệu đồng tiền Việt Nam mà gia đình của M không hề hay biết. Sau hơn một năm làm vợ nơi xứ người, chịu không biết bao nhiêu khổ cực, M đã được nhà chức trách giải cứu đưa về địa phương và làm đơn tố cáo những người đã bán mình qua biên giới…

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội như Zalo và Facebook... cũng khiến không ít cô gái trẻ vô tình trở thành nạn nhân của bọn buôn người, bị bán vào động mại dâm, hoặc bị bán làm vợ cho một gia đình có nhiều thế hệ ở bên kia biên giới... Mặc dù thủ đoạn đã cũ nhưng bọn tội phạm buôn bán người vẫn dụ dỗ được không ít “con mồi” tự nguyện theo chúng sang bên kia biên giới.

Từ thực tế, một cán bộ xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Mỗi người đều có thể trở thành nạn nhân của bọn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nếu như không biết cách phòng tránh. Do vậy, chúng ta nên truyền thông, phân tích thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cũng như hậu quả gây ra, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm, hỗ trợ và giúp đỡ động viên nạn nhân mua bán người sớm hòa nhập cộng đồng… Xã Kim Thủy đã tổ chức truyền thông cho người dân cũng như các em học sinh thông qua loa phát thanh, truyền thông ở các buổi họp dân, buổi chào cờ hay sinh hoạt ngoại khóa cho các học sinh.

Để thực hiện có hiệu quả các buổi truyền thông, nhóm đã lấy các sản phẩm của nền tảng “Em Vui” như video hướng dẫn chi tiết sổ tay an toàn mạng, các tập phim truyện tranh “Hành trình của Mỉ” với nội dung nhằm giáo dục, truyền thông phòng tránh tảo hôn, phòng, chống mua bán người; tài liệu về các chủ đề kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống tảo hôn, phòng, chống mua bán người, sức khỏe sinh sản, kỹ năng mềm… Bên cạnh việc truyền thông thì chúng ta nên truyền thông về mô hình sinh kế địa phương, di canh, di cư và nhất là về bình đẳng giới để giúp người dân hiểu rõ hơn về những vấn đề tảo hôn hay mua bán người…

Nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số về tảo hôn và buôn bán người

Dự án “Tăng cường nhận thức của thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR/Em Vui) được triển khai từ tháng 6/2020 đến hết tháng 6/2023 tại 4 tỉnh, 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị. Dự án kỳ vọng sẽ lan tỏa thông tin tới hơn 57.400 em vùng dân tộc nữa trên khắp 4 tỉnh dự án.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng giới thiệu dự án tại chương trình “Giới thiệu các sản phẩm của dự án Em Vui”. (Ảnh PV)

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng giới thiệu dự án tại chương trình “Giới thiệu các sản phẩm của dự án Em Vui”. (Ảnh PV)

Tại Chương trình “Giới thiệu các sản phẩm của dự án Em Vui” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Plan International tại Việt Nam vừa qua, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc dự án Em Vui chia sė: “Nền tảng trực tuyến Em Vui đã thực sự trở thành một người bạn tin cậy của hàng nghìn thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số và là một kênh thông tin hữu ích cho các thầy, cô giáo và các cán bộ địa phương. Sản phẩm giáo dục truyền thông của Em Vui được chúng tôi xây dựng rất thân thiện, gần gũi với các em, giúp các em dễ dàng tìm hiểu các thông tin và trang bị các kỹ năng cần thiết để phòng tránh tảo hôn và mua bán người”.

Hiện nay, nền tảng Em Vui bao gồm 1 website tại https://emvui.vn, 1 ứng dụng điện thoại có thể tải về từ kho ứng dụng CH Play và App Store tên Em Vui, 06 kênh mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter đều có tên là #DuAnEmVui.

Trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày có gần 400 lượt truy cập, trong đó đa phần là các em thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Tính đến ngày 20/5/2023, nền tảng trực tuyến Em Vui có gần 200 video và tài liệu học về các kiến thức liên quan đến an toàn trên mạng, sức khỏe sinh sản, phòng, chống tảo hôn và mua bán người, kiến thức pháp luật; gần 8.000 người đăng ký thành viên, 146.621 nghìn lượt truy cập và hàng nghìn lượt bình luận, tương tác của thanh, thiếu niên trên nền tảng Em Vui.

Ngoài ra, dự án còn có các video minh họa hướng dẫn sử dụng internet an toàn; thư viện với gần 150 bài học theo 6 chủ đề; phóng sự; tiểu phẩm sân khấu hóa; các cuộc đối thoại và tọa đàm giữa các em thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số và đại diện của các cơ quan hữu quan tại địa phương về các vấn đề liên quan đến tảo hôn, mua bán người, sức khoẻ sinh sản, học tập và việc làm… Thông qua đó, thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số được nâng cao nhận thức về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Đọc thêm