Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Cuba tới Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ năm 1958. Các sự kiện này đã ghi dấu mốc lịch sử, mở chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau hơn nửa thế kỷ đóng băng.
Ngày lịch sử
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi ngày 20/7 là một ngày lịch sử và là ngày để phá bỏ các rào cản. Ông Kerry còn phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha để chào mừng sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước:
“Mỹ rất vui mừng trước khởi đầu mới trong quan hệ với nhân dân và Chính phủ Cuba. Chúng ta đã quyết định chung sống như những láng giềng tốt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và mong muốn người dân Mỹ cũng như Cuba hướng tới tương lai với niềm hy vọng. Vì vậy, chúng ta cùng chào mừng ngày hôm nay - ngày 20/7, ngày bắt đầu khôi phục lại những gì đã bị tổn hại và mở ra cánh cửa đã bị đóng kín quá lâu”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, dấu mốc lịch sử này không đồng nghĩa với việc chấm dứt những khác biệt giữa chính phủ hai nước. Tuy nhiên, điều này phản ánh một thực tế là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu. Ông Kerry cho rằng, tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương sẽ kéo dài và phức tạp song điều đó có lợi cho người dân cả hai nước, khuyến khích đi lại và tự do trao đổi thông tin cũng như nối lại hoạt động thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thăm thân cho công dân hai nước.
Ngoại trưởng Kerry cho biết thêm, chính quyền của Tổng thống Barack Obama mong muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với La Habana hơn nửa thế kỷ qua và hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thực hiện điều này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kerry thông báo ông sẽ sang thăm chính thức Cuba vào ngày 14/8 tới.
Về phần mình, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh, hai bên có thể tiến tới sự kiện ngày 20/7 là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Lãnh tụ Cách mạng Cuba Phidel Castro cũng như sự quyết tâm và bền bỉ của người dân Cuba cùng sự tin tưởng vững chắc vào con đường đã chọn.
Ngoại trưởng Cuba Rodriguez đồng thời tuyên bố: “Việc dỡ bỏ hoàn toàn bao vây cấm vận, trả lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép Guantanamo cũng như tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Cuba và đền bù những thiệt hại kinh tế và nhân đạo đối với người dân Cuba là những bước đi quyết định để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương”.
Trước đó, phát biểu tại buổi lễ nâng cấp Phòng Đại diện Quyền lợi Cuba thành Đại sứ quán Cuba tại Washington, Ngoại trưởng Rodriguez cũng tuyên bố sự kiện lịch sử ngày 20/7 chỉ có ý nghĩa thực sự khi Mỹ tiến hành các bước đi trên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry cho biết vào thời điểm này, Washington chưa có ý định thay đổi thỏa thuận thuê hiện nay đối với căn cứ hải quân trên Vịnh Guantanamo.
Ngay trước cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã chủ trì Lễ thượng cờ và nâng cấp Phòng Đại diện Quyền lợi Cuba thành Đại sứ quán Cuba tại thủ đô Washington trước sự chứng kiến của khoảng 500 khách mời, trong đó có nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cùng phái đoàn gồm 30 quan chức cấp cao trong các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa của Cuba. Hàng nghìn người Mỹ gốc Cuba và đông đảo phóng viên báo chí của nhiều nước đã có mặt trước tòa đại sứ để theo dõi sự kiện lịch sử này.
Chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba còn là niềm vui chung của người dân Mỹ Latinh. |
Trong khi đó, tại thủ đô La Habana của Cuba, Mỹ cũng đã nâng cấp Phòng Đại diện Quyền lợi Mỹ thành Đại sứ quán. Nhân các sự kiện này, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, Chính quyền Tổng thống Obama hoan nghênh “sự kiện lịch sử mở đại sứ quán Cuba” tại Washington và chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao song phương.
Quốc tế chúc mừng
Sự kiện lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba đã nhận được sự hoan nghênh của chính phủ cũng như giới truyền thông nhiều nước Nam Mỹ. Các phương tiện truyền thông Argentina, Brazil, Chile, Ecuador và Venezuela đồng loạt đưa tin về việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ, coi đây là một bước tiến mới, một sự kiện mang tính lịch sử để lại đằng sau nhiều bất đồng.
Chính phủ Argentina đã bày tỏ vui mừng trước việc Cuba và Mỹ mở lại đại sứ quán, đồng thời kêu gọi Nhà Trắng dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận phi lý chống La Habana. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Argentina nêu rõ, bước tiến mới này trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cho thấy đối thoại, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế là con đường hợp pháp duy nhất để giải quyết bất đồng. Tuyên bố bày tỏ tin tưởng với tinh thần tích cực hiện nay, Washington sẽ nhanh chóng dỡ bỏ bao vây, cấm vận chống lại nhân dân Cuba.
Chính phủ Chile cũng đánh giá cao ý nghĩa trọng đại của sự kiện này và khẳng định đây là dấu chấm hết của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz khẳng định, sau 54 năm bao vây cấm vận, việc hai nước mở lại đại sứ quán có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với Cuba và Mỹ mà còn đối với cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng chúc mừng hai nước, đồng thời kêu gọi Nhà Trắng dỡ bỏ cấm vận chống La Habana. Ông Maduro nhấn mạnh, đã tới thời điểm cần chấm dứt mọi chính sách can thiệp vào Mỹ Latinh cũng như thiết lập sự tôn trọng và bình đẳng tại khu vực. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello cho rằng, việc mở đại sứ quán cho thấy chính sách của Mỹ đối với Cuba hơn 50 năm qua hoàn toàn sai lầm.
Chủ tịch Quốc hội Ecuador Gabriela Rivadeneira nhấn mạnh, chính nghĩa đã được thực thi tại Mỹ Latinh. Nguyên Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) José Miguel Insulza cũng kêu gọi Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ cấm vận Cuba.
Chương mới, kỷ nguyên mới
Các chuyên gia phân tích cho rằng, những sự kiện trên được coi là khởi đầu của “kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Những bước đi lịch sử được đón chờ này mang ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ với người dân hai nước mà với cả cộng đồng quốc tế.
Lá cờ của Cuba đã chính thức tung bay trước Đại sứ quán tại Mỹ. |
Đối với Cuba, thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là sự công nhận chính thức của Mỹ đối với Chính phủ Cách mạng Cuba. Bước đi này tạo thuận lợi hơn nữa cho Cuba hội nhập nền kinh tế thế giới, dù vẫn tiếp tục bị cản trở bởi chính sách cấm vận. Ngay sau khi hai nước tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao cuối năm 2014, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã triển khai các bước đi tích cực cải thiện quan hệ với Cuba. Xu hướng này chắc chắn còn rõ nét hơn sau ngày 20/7. Và đây là yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy công cuộc cập nhật mô hình kinh tế - xã hội tại “Hòn đảo tự do”.
Đối với Mỹ, cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là một tiền lệ đối ngoại quan trọng. Điều này góp phần cải thiện hình ảnh quốc gia của Mỹ, một nước Mỹ biết chấp thuận sự khác biệt của quốc gia khác. Nhất là tại Mỹ Latinh và Caribe, khu vực Mỹ từng coi là “sân sau” nhưng đang mất dần ảnh hưởng; và cũng là nơi mà cuộc đấu tranh kiên cường để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, cũng như tinh thần quốc tế vô tư trong sáng của Cuba không ngừng nhận được cảm tình của người dân khu vực.
Với riêng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, việc bình thường hóa quan hệ với Cuba được nhìn nhận là thành tựu ngoại giao lớn, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ không gặt hái nhiều thành công trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Hơn nữa, quyết định đó phù hợp mong muốn của phần đông người dân và doanh nghiệp Mỹ, vốn bỏ lỡ nhiều cơ hội do chính sách cấm vận của Chính phủ Mỹ chống Cuba hơn 50 năm qua.
Đối với khu vực Mỹ Latinh và cộng đồng quốc tế, việc Cuba và Mỹ chính thức tái lập quan hệ ngoại giao có thể được coi là minh chứng sống về sự hóa giải thành công một mối quan hệ thù địch và đối đầu kéo dài, đưa các “cựu thù” trở thành đối tác đối thoại, vì hòa bình và phát triển, phù hợp xu thế thời đại.
Bước đi này một lần nữa khẳng định chính sách thù địch chống Cuba, chống các Chính phủ do các phong trào cánh tả và lực lượng tiến bộ lãnh đạo ở khu vực đã thất bại. Bất chấp các biện pháp bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ suốt năm thập niên vừa qua, người dân quốc đảo Cuba yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý đã vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa đất nước tiếp tục con đường chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, chính sách cô lập Cuba lại gây tổn hại cho Mỹ, cả về chính trị lẫn kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực hình ảnh của Mỹ ở khu vực và thế giới.
Theo các nhà phân tích, việc mở cửa trở lại các cơ quan ngoại giao cho phép hai bên xúc tiến đối thoại ở cấp cao hơn, hướng tới khôi phục hoàn toàn quan hệ song phương. Song, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của một tiến trình phức tạp và không ít chông gai. Bởi, tái lập quan hệ ngoại giao không đồng nghĩa với việc hai bên đã xóa bỏ hay giải quyết được những khác biệt từng làm tổn thương hai quốc gia và người dân hai nước. Trước mắt, lệnh cấm vận kinh tế chống Cuba vẫn là rào cản lớn nhất. Rào cản thứ hai là vấn đề nhân quyền.
Tuy Cuba và Mỹ đã khởi động đối thoại về vấn đề nhân quyền nhưng vẫn cần thêm thời gian để giải quyết điểm mấu chốt khác biệt này. Bên cạnh đó là một loạt các vấn đề khác như: trả lại căn cứ quân sự Guantanamo, hay đòi hỏi bồi thường thiệt hại do cấm vận kinh tế,... Đây là những vấn đề gai góc, chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại, trên tinh thần bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.
Nói như Chủ tịch Cuba Raul Castro, điều quan trọng là phải tìm kiếm một mối quan hệ mới, khác những gì lịch sử hai nước đã trải qua, mối quan hệ mà hai nước có thể hợp tác, cùng tồn tại một cách văn minh và vì lợi ích chung./.