Mỹ bị tố tổ chức nghe lén 3 đời Tổng thống Pháp

(PLO) - Ngày 24/6, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng và các lãnh đạo ngành tình báo nước này sau khi trang WikiLeaks công bố tài liệu có tiêu đề “Espionnage Elysee” tố giác Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám ba đời tổng thống Pháp - gồm hai cựu Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống Hollande.
Bên ngoài trụ sở NSA.
Bên ngoài trụ sở NSA.
Một cố vấn của Tổng thống Hollande cho biết, mục đích cuộc họp này là để “đánh giá bản chất những thông tin do WikiLeaks tiết lộ và rút ra những kết luận hữu ích”.
Tại cuộc họp, Tổng thống Hollande nhấn mạnh: “Pháp sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm đến an ninh của đất nước”. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Stephane Le Foll nhấn mạnh hành động do thám giữa các nước đồng minh là “không thể chấp nhận được”. 
Tuy nhiên, ông Le Foll cố gắng giảm bớt căng thẳng khi khẳng định vụ việc này sẽ không châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Pháp và Mỹ.
Điện Elysee còn cho rằng, chính quyền Mỹ đã từng có những hành động như trên vào cuối năm 2013, yêu cầu phía Mỹ phải rút lại các hành động trên và phải nghiêm túc tôn trọng. Trước đó, phản ứng trước công bố của WikiLeaks, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng, những hành động này là không thể chấp nhận được, đặc biệt là giữa các nước đồng minh.
Tổng thống Pháp Francois Hollande.
 Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Chia sẻ quan điểm này, cựu Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương Pierre Lellouche nhấn mạnh hành động của NSA là không thể dung thứ, đồng thời cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đưa ra lời giải thích về việc này trên cơ sở pháp lý, người Mỹ sẽ làm gì với những thông tin đó và nếu việc này vẫn tiếp tục xảy ra trong tương lai thì hành động của Nhà Trắng là gì.
Trong khi đó, cựu Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia Pháp Frederic Pechenard, người gần gũi với ông Sarkozy, cho biết, không ngạc nhiên về việc NSA nghe lén vì cơ quan này có các bộ phận chuyên thực hiện việc này trên toàn thế giới. Theo ông Pechenard, tiết lộ này cho thấy nước Pháp cần phải cải thiện an ninh liên lạc của tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên chính phủ.
Giống như ông Pechenard, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ không hề ngạc nhiên nếu thông tin NSA bí mật theo dõi lãnh đạo nước Pháp là sự thật. “Tôi có thể nói ngắn gọn là khi chúng ta đàm phán, máy nghe lén đã được cài đặt trong micro”, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố với ám chỉ phiên họp của “Bộ tứ Normady” tổ chức hôm 23/6 tại Paris nhiều khả năng đã bị theo dõi. 
Cùng ngày, một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã triệu Đại sứ Mỹ tại Pháp đến giải trình về vụ việc trên.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng khẳng định không theo dõi các liên lạc của đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande và sẽ không làm như vậy: “Chúng tôi không và sẽ không” làm việc đó. Trong một tuyên bố, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Ned Price nhấn mạnh: “Chúng tôi không và sẽ không “nhắm” vào các liên lạc của Tổng thống Hollande”, tuy nhiên ông Price không đả động gì đến hướng giải quyết những hoạt động giám sát (có thể) đã được thực hiện trong quá khứ.
Ông Price nói thêm rằng: “Chúng tôi không tiến hành các hoạt động do thám tình báo nước ngoài, trừ khi vì mục đích an ninh quốc gia hợp lý và cụ thể. Nguyên tắc này áp dụng cho mọi trường hợp và đối tượng”. Ông Price nhấn mạnh: “Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Paris trên tất cả mọi vấn đề quốc tế quan tâm, và Pháp là một đối tác không thể thiếu của Mỹ”.
Trụ sở NSA ở Mỹ, nơi bị tố cáo là đã tổ chức nghe lén điện thoại của nhiều nguyên thủ quốc gia và khắp toàn cầu.
 Trụ sở NSA ở Mỹ, nơi bị tố cáo là đã tổ chức nghe lén điện thoại của nhiều nguyên thủ quốc gia và khắp toàn cầu. 
Tài liệu do WikiLeaks tiết lộ, được xếp hạng “tuyệt mật” và được đăng đầu tiên trên báo Liberation của Pháp và trang Mediapart, chỉ ra rằng, hoạt động do thám các nguyên thủ Pháp của NSA diễn ra ít nhất từ năm 2006 tới tháng 5/2012, trong đó có tài liệu đề ngày 22/5/2012, chỉ vài ngày sau khi ông Hollande nhậm chức kế nhiệm ông Sarkozy (ngày 15/5/2012).
Cũng theo tài liệu này, vào năm 2011, ông Sarkozy đã khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine mà không có sự can dự của Mỹ; còn ông Hollande đã thảo luận về chính sách mở cửa cho đồng Euro của Hy Lạp trở lại thị trường vào năm 2012.
Ngoài ra, tài liệu “Espionnage Elysee” còn tóm tắt cuộc đối thoại giữa các quan chức chính phủ Pháp về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai của Liên minh châu Âu, các mối quan hệ giữa chính quyền Pháp - Đức, những nỗ lực của Pháp để thành lập lại nhân viên điều hành trong Liên hợp quốc và căng thẳng giữa Mỹ - Pháp về gián điệp Mỹ ở Pháp. Tài liệu trên được phát hiện trong 5 bản báo cáo của NSA dựa trên các thông tin mà NSA theo dõi được. Ngoài ba vị tổng thống Pháp, theo WikiLeaks, NSA còn do thám các thành viên nội các Pháp cũng như Đại sứ Pháp tại Mỹ.
Cũng theo các bản báo cáo của NSA, các số điện thoại của những người nêu trên nằm trong danh mục các đối tượng theo dõi của NSA. Có trong tay danh mục theo dõi này (số điện thoại, danh tính…), NSA có thể tìm kiếm dữ liệu trên toàn thế giới để phục vụ việc do thám.
Vụ rò rỉ thông tin này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Obama thông qua “Đạo luật nước Mỹ Tự do”, theo đó chấm dứt các hoạt động thu thập khối lượng lớn dữ liệu điện thoại của công dân và khép lại chương trình theo dõi gây tranh cãi lớn nhất do NSA tiến hành sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. 
Theo giới chuyên gia, những tiết lộ trên của WikiLeaks nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sóng gió giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Âu về vấn đề do thám khi trước đó, vào năm 2013, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiết lộ về chương trình nghe lén của Mỹ đối với một số nước châu Âu.

Đọc thêm