Gương sáng Pháp luật

Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”: Tấm gương tận tụy ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM

(PLVN) - Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nói không ngại những ngày gian nan, vất vả đến quên ăn ngủ cứu bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào. Ông xả thân vào cuộc chiến chống dịch bệnh vì trách nhiệm của một bác sĩ, vì niềm tự hào của một công dân.
BS Nguyễn Thanh Phong và ekip điều trị cho bệnh nhân người Anh số 91.
BS Nguyễn Thanh Phong và ekip điều trị cho bệnh nhân người Anh số 91.

Ngày thầy thuốc 27/2/2020, một lẵng hoa rực rỡ được gửi đến Khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Chuyện bệnh nhân tặng hoa cảm ơn bác sĩ là thường. Nhưng lẵng hoa hôm ấy đến từ một bệnh nhân đặc biệt của một căn bệnh đặc biệt: Ông Tạ Hoa Kiên, 73 tuổi, quốc tịch Mỹ, là bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi nhất Việt Nam thời điểm ấy.

Tháng 1/2020, ông Kiên bay về Việt Nam và quá cảnh ở sân bay Vũ Hán. Ngày 31/1, ông được nhân viên khách sạn ở quận 3 đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM cách ly, xét nghiệm COVID-19 dương tính với tình trạng rất nặng. Bác sĩ (BS) CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D là người phụ trách điều trị chính cho bệnh nhân Kiên.

Tại Việt Nam, ông Kiên hầu như có một thân một mình. Người bệnh nặng rất cần sự động viên tinh thần để lạc quan, có sức “chiến đấu” với bệnh tật. BS Phong và đội ngũ y tế trong khoa không chỉ là những người phụ trách chữa bệnh mà còn là “gia đình thứ hai” của ông, trò chuyện, chia sẻ, quan tâm, săn sóc.

BS Nguyễn Thanh Phong trong một đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

BS Nguyễn Thanh Phong trong một đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Giành bệnh nhân khỏi tay “tử thần”

Những nỗ lực ấy đã không uổng phí, ông Tạ Hoa Kiên dần dà hồi phục sức khỏe và cuối cùng khỏi bệnh, xuất viện. Thời gian sau đó, BS Phong cùng các điều dưỡng cũng liên tục nhận được điện thoại của ông Kiên cảm ơn, thăm hỏi. “Các y, bác sĩ đã cứu tôi từ cõi chết trở về. Từ đây đến cuối đời mình tôi vĩnh viễn tri ân họ”, là câu nói của ông Kiên.

Ngày 26/2, trước khi rời Việt Nam trở về Mỹ đoàn tụ gia đình, ông Kiên gửi đến Khoa Nhiễm một lẵng hoa tươi thắm. Lẵng hoa đặc biệt ấy nằm trang trọng trên bàn của khoa, như một sự ghi nhận và một lời nhắc nhở thầm kín về sứ mệnh mà những “chiến binh áo trắng” mang trên mình. Riêng với BS Phong, hình ảnh bàn tay run rẩy của bệnh nhân nắm chặt tay BS, gửi gắm sinh mạng, là kí ức ấm áp.

Cũng trong năm 2020, vào thời điểm bùng dịch tháng 3, Khoa Nhiễm D lại tiếp nhận một ca COVID-19 rất nặng, được dư luận cả thế giới chú ý. Đó là trường hợp nam bệnh nhân người Anh, một trong những ca bệnh COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam đến thời điểm đó.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có phản ứng miễn dịch rất dữ dội, sốt cao liên tục từ khi mắc bệnh, cơ thể tiết ra chất chống viêm tấn công phổi, thận và các cơ quan khác. Bệnh nhân diễn tiến ngày càng xấu, suy hô hấp tăng dần, các BS phải hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn.

Thời điểm này BS Phong đã bố trí đội ngũ điều dưỡng khoảng 20 người với thời gian thích hợp để lúc nào cũng có 1-2 BS và 2-3 điều dưỡng túc trực, chăm sóc bệnh nhân. BS, điều dưỡng trực phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng tránh lây bệnh, cứ 3-4 giờ lại phải thay ca trực trong phòng áp lực âm.

Cả một ekip đã túc trực điều trị trực tiếp cho bệnh nhân suốt 65 ngày, trước khi bệnh nhân này được chuyển sang BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

BS Phong kể lại, đó là những ngày cả khoa, cả BV dường như quên mất khái niệm về thời gian. Cả nửa tháng trời ông không gặp người nhà, sống tại khách sạn gần BV. Hàng ngày, vừa theo sát diễn biến bệnh nhân, vừa liên tục họp, hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành trực tiếp hay trên group chat để đồng thời học hỏi, mở rộng kiến thức nghề nghiệp. Nhiều đêm đặt lưng xuống chợp mắt, lại mơ thấy đang điều trị cho bệnh nhân.

Cũng có những khoảnh khắc gần như tuyệt vọng khi hai lá phổi bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Nhưng BS Phong và đồng đội không bỏ cuộc, bằng mọi cách đưa bệnh nhân bước qua lằn ranh sinh tử mong manh, trở về sự sống.

Sau một thời gian điều trị tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân đã bình phục. Giới y học trong và ngoài nước gọi đó là một kỳ tích trong y khoa. Sau khi về nước, bệnh nhân vẫn thường xuyên liên lạc, cảm ơn, cập nhật tình hình sức khỏe cho các BS. Với những cán bộ y tế, điều này còn ý nghĩa hơn mọi phần thưởng trên đời.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Câu chuyện hai lần “cướp lại” người từ tay “tử thần” ấy mang một ý nghĩa rất lớn lao. Ở giai đoạn nước ta bùng dịch lần đầu, trong sự hoang mang, lo lắng của một số người, những kỳ tích của các “chiến binh áo trắng” đã góp phần đem lại niềm tin mạnh mẽ cho đội ngũ chống dịch, cho nhân dân, đem đến cái nhìn khâm phục và thiện cảm của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

“Dậy sớm, ngủ muộn, thương bệnh nhân như người nhà”

Những ngày này, BS Phong vẫn đang tất bật trong cuộc chiến chống COVID-19 bởi đợt bùng dịch mới đang bùng phát ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành. BV Nhiệt đới là tuyến cuối điều trị COVID-19 ở phía Nam, tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng từ các địa phương chuyển về.

Đồng thời, trước tình hình ca bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, được sự tin cậy của lãnh đạo ngành y tế và chính quyền địa phương, BS Phong đã được điều động về làm Phó giám đốc bệnh viện dã chiến Củ Chi, tiếp tục cuộc chiến giành bệnh nhân khỏi sự tàn phá của virus SARS-CoV-2

Trước câu hỏi về nỗi khó khăn, vất vả trong những ngày tháng miệt mài chống dịch, BS Phong, gương mặt ốm đi do vất vả, vẫn nở nụ cười hiền: “Đầu tiên, mình là người làm nghề y, với lời thề Hippocrates, cứu người là nhiệm vụ hàng đầu, cao cả. Thứ nữa, cả nước đang trong giai đoạn quan trọng phòng chống dịch.

Nỗ lực chăm sóc, cứu sống bệnh nhân chính là trách nhiệm, là tạo dựng niềm tin, để tất cả mọi người được “tiếp lửa”. Thời này ai rồi cũng trở thành chiến binh. Mà đã là chiến binh thì vất vả là thường tình. Chuyện ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc hay đoàn tụ với gia đình đành tạm gác lại thôi”.

“Để luôn “giữ lửa” cho cuộc chiến có thể còn cam go này, tôi thường xuyên động viên các đồng nghiệp phải luôn giữ vững ý chí và tinh thần thép để đối phó với đại dịch, với ngay cả trong tình huống xấu nhất có thể. Biết rằng khi dấn thân vào cuộc chiến là phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nhưng tôi cùng đồng đội xác định luôn sẵn sàng căng mình, hết sức mong làm được những điều tốt nhất để chữa khỏi cho bệnh nhân”.

“Cứu bệnh nhân là niềm vui lớn, là ý nghĩa nghề nghiệp của người thầy thuốc. Góp phần vào công cuộc chống dịch là trách nhiệm, cũng là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam”.

Ở Khoa Nhiễm D, người Trưởng khoa “thức sớm, ngủ muộn, thương bệnh nhân như người nhà, gian khó đi đầu” luôn là tấm gương cho những y, bác sĩ thế hệ sau noi theo. Câu chuyện về cuộc đời của BS Phong cũng truyền cảm hứng cho biết bao người trẻ bước chân vào nghề.

Từ cậu học trò miệt Chợ Mới, An Giang, nhà nghèo đến nỗi ai nghe nói cậu có ý định học làm bác sĩ cũng cười là “hoang tưởng”. Vậy mà đứa trẻ đó đã vừa xúc tép kiếm tiền nuôi giấc mơ ăn học, thi đỗ ngành Y, rồi lại tự nuôi mình suốt 6 năm đại học gian khó…

Những năm qua, ngoài sự tất bật chữa bệnh cứu người tại BV nơi mình công tác, BS Phong còn thường xuyên tổ chức những đợt khám bệnh miễn phí, phát thuốc, phát quà cho người nghèo ở quê hương mình và những vùng quê nghèo khó khác.

Ông chia sẻ, mình từng nghèo nên biết người nghèo cần được khám chữa bệnh như thế nào. Ngày xưa, nhìn cha mẹ mình chạy vạy từng đồng lên Sài Gòn chữa bệnh, ông từng mong một ngày mình có thể làm bác sĩ để cứu chữa bệnh nhân nghèo.

Ông cũng mong rằng, những gì mình và đồng đội làm sẽ gieo vào trong lòng những cô bé, cậu bé học trò nghèo ở một miền quê nào đó những ước mơ tươi đẹp, những hạt giống tốt lành, để các em có động lực thay đổi cuộc đời, làm người có ích cho xã hội. Như cậu bé Nguyễn Thanh Phong nghèo khó năm xưa…

Chủ tịch UBND TP HCM tặng Bằng khen cho BS Nguyễn Thanh Phong vì “thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Chủ tịch UBND TP HCM tặng Bằng khen cho BS Nguyễn Thanh Phong vì “thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của vị Trưởng khoa ấy đã được ghi nhận. Ngày 21/2/2020, UBND TP HCM đã trao Bằng khen cho BV Bệnh Nhiệt đới, đặc biệt là ekip điều trị của Khoa Nhiễm D vì có thành tích trong chẩn đoán, điều trị thành công cho ca bệnh COVID-19 thứ ba tại TP HCM.

Ngày 15/5/2020, Chủ tịch UBND TP HCM đã tặng Bằng khen cho BS Nguyễn Thanh Phong vì “thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19”. Trong một chương trình truyền hình, BS Nguyễn Thanh Phong được vinh danh là một trong những “người truyền cảm hứng” của năm 2020. Cạnh đó là nhiều Bằng khen lớn, nhỏ của TP, của ngành ghi nhận những thành tựu của “chiến binh áo trắng”.

“Tôi sẽ quên những gì mình đã làm được. Chỉ nhớ rằng phía trước còn rất nhiều sinh mệnh đang chờ mình, còn có trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân hiến mình cho Tổ quốc”, BS Phong cho biết.

Đọc thêm