Rưng rưng những câu chuyện đẹp
“Chia sẻ cùng thầy cô” là chương trình thường niên do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Hằng năm, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương những giáo viên vượt khó để mang tri thức đến các vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Năm 2024 là năm thứ 10 chương trình diễn ra. Sau 10 năm, chương trình không ngừng đổi mới để lan tỏa những câu chuyện đẹp về người thầy, nhận phản hồi tích cực từ xã hội.
Nằm trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, các buổi giao lưu trực tuyến trên TikTok với chủ đề “10 năm kể chuyện dạy học hạnh phúc” gợi nhớ về hành trình 10 năm cảm xúc của chương trình và lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa về hoạt động tri ân người thầy. Ở buổi thứ hai, ba vị khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến đều là những người đã gắn bó với chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” gồm: Thầy giáo Lý Thường Kiệt, Trường THPT Hòa Tú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022; GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Hoa hậu H’ Hen Niê - Đại sứ “Chia sẻ cùng thầy cô 2024”. Đây là năm thứ 2 H’Hen Niê tham gia chương trình.
Câu chuyện thầy Lý Thường Kiệt và hành trình hỗ trợ các em học sinh khó khăn và nỗ lực cảm hóa các em học sinh cá biệt của thầy, tạo ra nhiều xúc động cho buổi giao lưu. Vươn lên từ chính những khó khăn để theo đuổi ước mơ làm thầy giáo, khi được đứng trên bục giảng, thầy Kiệt không chỉ làm tốt công tác giảng dạy mà còn đau đáu và giúp đỡ được rất nhiều học sinh khó khăn không phải “đứt gánh giữa đường”, ra trường có công ăn việc làm ổn định. “Điều hạnh phúc nhất của người làm thầy là nhìn thấy các em từng là những học trò sắp nghỉ học, giờ đây đều đã học hành thành tài, có việc làm nuôi sống bản thân và gia đình”, thầy Kiệt nói.
Trong vai trò Đại sứ, Hoa hậu H’Hen Niê rất xúc động và khâm phục nỗ lực rèn giũa các em học sinh nên người của thầy Kiệt. “Năm ngoái, Hen được về trường ở Đắk Lắk để gặp gỡ các em học sinh, lắng nghe câu chuyện của các thầy, các cô. Trong không khí đó, Hen cảm thấy rất hạnh phúc và càng thấy rằng giáo dục là một điều có giá trị, giáo dục là hạnh phúc”, H’Hen Niê chia sẻ.
Bốn thầy cô giáo dưỡng được tuyên dương năm 2024
Đại diện Ban Tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 cho biết, năm nay, Ban Tổ chức nhận được 146 đề cử. Các giáo viên tham gia chương trình thuộc ba nhóm bao gồm: các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các điểm trường lẻ tại các xã khó khăn thuộc khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh, thiếu nhi ở biên giới, địa bàn đóng quân. Đặc biệt, năm nay có 4 giáo viên các trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý gồm: Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến, Trường giáo dưỡng số 4; Đại uý Lê Thị Hồng Lụa và Đại uý Trần Đại Lượng, Trường giáo dưỡng số 2; Đại uý Hoàng Trọng Nghĩa, Trường giáo dưỡng số 3, thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an.
Hội đồng xét chọn các giáo viên tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 đã họp và lựa chọn ra 60 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc để tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 dự kiến được tổ chức vào 02 ngày 14,15/11/2024 tại Hà Nội. Các thầy giáo, cô giáo tham gia chương trình sẽ được nhận được Bằng khen của Bộ GD&ĐT, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Chia sẻ về chương trình, PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thầy cô không chỉ là người trao truyền tri thức mà còn đóng vai trò là người truyền cảm hứng, bồi đắp cảm xúc con người, gieo mầm ước mơ cho thế hệ trẻ. Vì vậy, hoạt động tôn vinh người thầy là rất cần thiết và nên được làm thường xuyên hơn với nhiều hình thức hơn, không chỉ dừng lại trong ngày 20/11 hay “mùng 3 tết thầy”. “Sự tôn vinh các thầy cô đôi khi đến từ những điều đơn giản, là sự thành công của học trò hay một câu nói biết ơn các thầy cô. Chúng ta nên làm điều này nhiều hơn để dành sự tri ân cho những người hy sinh cho sự nghiệp trồng người”, PGS. TS Trần Thành Nam nhận định.