Chương trình "Chia sẻ yêu thương cùng thầy cô năm 2023": Góp tiếng nói giữ gìn đạo học Việt

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Vừa qua, tại Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk (Đắk Lắk), Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2017 - H’Hen Niê, Đại sứ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã chia sẻ, lan tỏa hành trình dạy - học hạnh phúc.

Hoa hậu H'Hen Niê giao lưu, chia sẻ cùng các em học sinh Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk. (Ảnh: TƯ hội LHTNVN)
Hoa hậu H'Hen Niê giao lưu, chia sẻ cùng các em học sinh Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk. (Ảnh: TƯ hội LHTNVN)

Khao khát học hỏi

Là người dân tộc thiểu số Êđê, cuộc sống của Hoa hậu H'Hen Niê là một câu chuyện truyền cảm hứng. Cô đã chống lại hủ tục kết hôn sớm, khao khát đến trường, chinh phục tri thức với mơ ước thay đổi cuộc đời.

H'Hen Niê chia sẻ, ngày đó mỗi ngày cô đều mong được đến trường để gặp bạn bè, để được học hỏi thêm nhiều điều. Chính điều này đã giúp cô xác định được mục tiêu, ước mơ của cuộc đời và quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Hoa hậu H'Hen Niê cũng bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm trên hành trình học hỏi. Bất cứ ai cũng sẽ có thời điểm rơi vào sự chán nản, mất cảm hứng với việc học. Để khắc phục điều này, chúng ta cần xác định rõ mình cần gì, tìm ra nguyên nhân để giải quyết từng vấn đề một. Quan trọng nhất vẫn là, dẫu có khó khăn hay sự chán nản đến thế nào, chúng ta đều không được phép bỏ cuộc.

Trước đó, trong chuỗi sự kiện “Chia sẻ cùng thầy cô” trên TikTok, PGS.TS Trần Thành Nam cũng khẳng định, việc học là một điều tuyệt vời. Mỗi người trong chúng ta nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau”, bị ngừng trệ thì việc học là cực kỳ quan trọng. Học tập không phải chỉ mang tới cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp một cách bền vững mà còn phát triển cả nhân cách. Do đó, chúng ta phải luôn nhúng mình trong môi trường học tập để không bị tụt hậu vì mỗi ngày cả thế giới đều vận động. Mọi kiến thức, mọi nghề nghiệp đều cần phải đối mới và cập nhật liên tục, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.

Một trong những điều đầu tiên PGS.TS Trần Thành Nam nhắn gửi tới những người trẻ chính là để học tập trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc, chúng ta cần phải tôn trọng giá trị và vẻ đẹp của tri thức, chứ không phải học vì kỳ vọng của bất cứ ai hay vì chạy theo thành tích.

Trong hành trình theo đuổi tri thức, chúng ta cần phải học cách thay đổi một số thói quen. Trước hết, phải dám thừa nhận “Tôi không biết”, bởi chỉ khi dũng cảm đối diện với cái còn yếu kém, ta mới có cơ hội được lĩnh hội kiến thức và từ đó phát triển.

Giáo dục hiện đại không chỉ gói gọn trong 4 bức tường, không chỉ được truyền đạt bởi một người gọi là thầy giáo có bằng cấp. Muốn trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta cần phải học từ mọi điều trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thể là người thầy. Học tập cần phải kết nối với tri thức, cuộc sống. Mục tiêu của việc học không chỉ là lý thuyết mà còn biến tri thức trở thành giá trị và ứng dụng và tạo ra sản phẩm, lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng.

Học tập là một hành trình trọn đời mà mỗi người cần phải duy trì, nó không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp chúng ta hoàn thiện hơn mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Đến với trò bằng yêu thương thay vì trách nhiệm

Cô Hoàng Thị Bảy, giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS huyện Lắk là một trong số 58 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Cô Bảy đã có 16 năm gắn bó với nghề giáo với nhiều tâm huyết, tình cảm dành cho học trò. Trong dịp 20/11 sắp tới, cô Bảy sẽ cùng các thầy cô khác có mặt tại Hà Nội để tham gia chuỗi hoạt động tuyên dương nhiều ý nghĩa.

Cô Hoàng Thị Bảy chia sẻ, thời gian công tác 16 năm trong ngành giáo dục, cô bắt gặp học trò với những ánh mắt sáng lấp lánh, những nụ cười tươi vui, hồn nhiên, nhí nhảnh và những vòng tay lễ phép “Em chào cô ạ!”. “Mỗi lần như vậy, tôi lại có cảm giác tự hào, hạnh phúc, lại thấy yêu thêm nghề dạy học mà tôi đã chọn. Hãy yêu thương học trò như chính con ruột của mình, hãy làm bằng tình yêu thương thay vì bằng trách nhiệm” - cô Bảy cho biết.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và đơn vị tài trợ tổ chức nhằm tuyên dương các thầy, cô giáo có thành tích cao, có nghị lực vượt khó để mang tri thức đến với các thế hệ tương lai của đất nước. Qua 8 năm tổ chức, chương trình đã tuyên dương 458 giáo viên các đối tượng khác nhau.

Với mục tiêu chính hướng tới các thầy giáo, cô giáo đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giáo viên mang quân hàm xanh; các thầy cô làm công tác giáo dục đặc biệt; thầy, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số, các thầy cô là người dân tộc thiểu số; thầy, cô giáo dạy học trong thời gian cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19; các thầy giáo, cô giáo có thành tích tiêu biểu xuất sắc…

Ông Hoàng Tuấn Việt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 là một chiến dịch dài hơi với sự đồng hành của nhiều đại sứ là các nghệ sỹ, chuyên gia giáo dục, giáo viên uy tín, học sinh tiêu biểu. Ban Tổ chức đã có những chuyến đi thực tế để tìm hiểu về công việc giảng dạy, nghị lực vượt khó của các thầy, cô giáo được tuyên dương trong chương trình.

“Chia sẻ cùng thầy cô” mong muốn góp tiếng nói, hành động cụ thể, thiết thực để truyền thống quý báu “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” được giữ gìn, lan tỏa trong xã hội. Những người thầy, người cô đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ, để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc.

Vinh danh 58 giáo viên tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 Sau khi phát động chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023, Ban Tổ chức nhận được 105 hồ sơ hợp lệ. Hội đồng xét chọn gương giáo viên chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm” 2023 đã chọn ra gương 58 giáo viên tiêu biểu từ 47 tỉnh, thành phố để vinh danh vào dịp 20/11. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào ngày 17/11/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Phần lớn các giáo viên được tuyên dương đều có thâm niên công tác trên 10 năm, có 11 cá nhân công tác từ 20 - 30 năm, có 2 giáo viên đã công tác trên 30 năm ở vùng dân tộc thiểu số. Người có số năm công tác nhiều nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (53 tuổi, quê Bình Định) có thâm niên công tác 32 năm 9 tháng. Người trẻ nhất là thầy Trần Lê Minh Chiến (Quảng Ngãi) và thầy Nguyễn Thanh Dương (Bình Dương) đều 27 tuổi.

Đọc thêm