Nhiều hộ cận nghèo ở Hà Nam vay vốn nuôi kỳ đà khá hiệu quả. |
Đột phá để thoát nghèo bền vững…
Là một tỉnh nhỏ nằm ở cửa ngõ phía Nam thủ đô có điều kiện giao thương thuận lợi, nhưng Hà Nam vẫn còn 12,81% hộ nghèo, 7,49 % hộ cận nghèo. Vì vậy, nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo.
Chúng tôi đã về xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên để “thẩm định” chương trình cho vay được xem là “có một không hai” này. Ông Tạ Văn Khung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Đông, chia sẻ, xã có 2.250 hộ thì còn khoảng 588 hộ nghèo và hơn 300 hộ cận nghèo. Với đối tượng hộ cận nghèo tương đối cao như vậy, nếu không cho họ vay vốn để chăn nuôi, sản xuất thì nghèo vẫn hoàn nghèo.
Vì vậy, UBND tỉnh dùng vốn cho vay hộ cận nghèo là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Nguồn vốn này cũng khá linh hoạt khi cho vay theo nhóm hộ nên tạo dựng được sức mạnh tập thể, giúp cho việc sử dụng nguồn vốn được hiệu quả.
Từ “kinh nghiệm Hà Nam” đến sửa đổi Nghị định 78
Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Khắc Dưỡng - một trong nhóm 5 hộ gia đình vay 100 triệu đồng từ Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh cho biết, chỉ 20 triệu đồng/hộ nhưng đã giúp chúng tôi bổ sung mua con giống nuôi rắn, kỳ đà khá hiệu quả.
“Với những hộ thuộc diện cận nghèo như chúng tôi nếu cần vốn vay ngân hàng thương mại cũng khó vì cầm bìa đỏ đi thế chấp, ngân hàng định giá xong cũng chỉ cho vay 20 – 30 triệu đồng. Do đó, sáng kiến của UBND tỉnh cho hộ cận nghèo vay vốn đã giúp chúng tôi phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả” – ông Dưỡng nói.
Không chỉ nuôi kỳ đà như ông Dưỡng, hộ ông Nguyễn Khắc Luyn, thôn Bạch Xá đã vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh để tận dụng diện tích ao nuôi ba ba. Theo ông Luyn, được vay vốn sẽ giúp giải quyết việc làm cho hai vợ chồng mà còn kiếm thêm được nhu nhập nuôi các con ăn học. “Ngoài cho vay hộ nghèo, Nhà nước nên tiếp tục cho vay hộ cận nghèo như chúng tôi, mới mang lại thoát nghèo bền vững” – ông Luyn kiến nghị.
Sáng kiến dùng Quỹ UBND tỉnh cho hộ cận nghèo vay vốn ở Hà Nam để giải quyết việc làm một lần nữa đặt ra vấn đề: Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nên được sửa đổi như thế nào, và có nên cho đối tượng hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi?.
Theo Quyết định số 354/QĐ-UBND, ngày 23/3/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về “Quy định quản lý và sử dụng Quỹ cho vay giải quyết việc làm tỉnh Hà Nam” thì mục đích cho vay để phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm mới, đi xuất khẩu lao động và giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Nguồn hình thành Quỹ bao gồm số dư Quỹ đến 31/12 hàng năm; bổ sung từ ngân sách tỉnh hàng năm; đóng góp tự nguyện, ủng hộ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và một số nguồn khác.
Mức cho vay: đối với cơ sở sản xuất kinh doanh tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở; đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ; đối với người lao động đi xuất khẩu lao động, tối đa không quá 30 triệu đồng/lao động. |
Trang Nhung