Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH: Phân định rõ trách nhiệm, công việc của các cơ quan

(PLVN) - Chiều 6/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của QH, UBTVQH năm 2020.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ  phát biểu khai mạc
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu khai mạc

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai chương trình giám sát năm 2020 của QH, UBTVQH, đồng thời cũng nhằm trao đổi, thảo luận các biện pháp, cách thức để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH trong thời gian tới theo hướng đồng bộ, thực chất, hiệu quả hơn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, phát huy kinh nghiệm và kết quả của những năm trước, năm 2019, QH, các cơ quan của QH đã tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động giám sát với nhiều cải tiến và đổi mới. Hoạt động chất vấn ngày càng được chú trọng và tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực.

Điểm nổi bật là tại Phiên họp thứ 36, lần đầu tiên UBTVQH đã tiến hành giám sát, chất vấn lại việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận chất vấn của UBTVQH. Việc thực hiện giám sát chuyên đề, xem xét các báo cáo của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng được thực hiện nghiêm túc, thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình giám sát của QH, UBTVQH cũng bộc lộ một số hạn chế cần tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm. Theo Phó Chủ tịch QH, Luật Hoạt động giám sát đã quy định 7 hoạt động giám sát tối cao của QH, 10 hoạt động giám sát của UBTVQH, 6 hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban nhưng hiện các quy định của luật vẫn chưa được làm hết, có nội dung chưa được quan tâm đúng mức.

“Tính hình thức trong hoạt động giám sát cũng còn tồn tại”, ông Tỵ nói. Theo Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, một phần nguyên nhân là do điều kiện nguồn lực, một phần từ yếu tố trách nhiệm, cách thức phối hợp, phương pháp triển khai chưa tốt. 

Trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện chương trình giám sát của QH năm 2019 và triển khai chương trình giám sát năm 2020 tại Hội nghị, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Do đó, công tác giám sát cần tiếp tục được tập trung chỉ đạo để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với thực tiễn. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH, tại Kỳ họp thứ 9, QH Khóa XIV tiếp tục chất vấn theo nhóm vấn đề, thời gian chất vấn nên tổ chức trong 2,5 – 3 ngày. Việc chất vấn được thực hiện theo hướng tăng cường tranh luận, đảm bảo thông tin tranh luận chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi chất vấn.

Về hoạt động giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị việc xây dựng các báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết giám sát cần chú trọng làm rõ trách nhiệm, có các đề xuất, biện pháp cụ thể. Nội dung, chương trình giám sát đã ban hành phải được thực hiện nghiêm túc, thống nhất, đúng kế hoạch. 

Tại Hội nghị, cơ bản đồng tình với kiến nghị, đề xuất thực hiện chương trình giám sát của QH, UBTVQH năm 2020, một số đại biểu đề nghị phân định rõ trách nhiệm của QH, UBTVQH, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các công việc.

Các thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của QH, UBTVQH cần tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn. Với các cơ quan chịu sự giám sát cần gửi báo cáo về Đoàn giám sát đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng của báo cáo giám sát. 

Đọc thêm