Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6: Rối bời một môn… ba thầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm học 2021-2022, lần đầu tiên trong chương trình lớp 6 xuất hiện môn học tích hợp. Theo đó, 1 giáo viên dạy 1 môn tích hợp nhưng thực tế khi triển khai lại là 3 thầy cô cùng dạy 1 môn tích hợp. Sau hơn một tháng dạy và học, nhiều trường và thầy cô đang lúng túng xoay xở.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giáo viên gặp khó vì phải “ôm” nhiều môn

Có hai môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 năm học 2021 - 2022 gồm: Lịch sử - Địa lý (tích hợp từ 2 môn Lịch sử và Địa lý) và môn Khoa học tự nhiên (KHTN - tích hợp từ 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học). Chương trình được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Tuy nhiên, đây đang là thách thức lớn đối với giáo viên (GV) khi họ chưa được đào tạo bài bản về dạy học tích hợp.

Cô T.M, GV dạy môn toán ở Thừa Thiên - Huế cho rằng, tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đi từ thấp đến cao, nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp để vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, GV được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực Hóa-Lý-Sinh thì việc dạy học sẽ tốt hơn, trách nhiệm GV trên lớp cao hơn thay vì kiêm nhiệm như hiện nay.

Việc thầy cô lo lắng là có cơ sở vì hiện nay hầu hết GV được đào tạo để dạy đơn môn, như: Toán, Ngữ văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa... nay phải dạy môn tích hợp nên các thầy cô chưa được tập huấn sẽ có khó khăn nhất định. Việc 3 GV dạy 3 phân môn trong 1 môn là rất khiên cưỡng, vô lý.

Thầy Nguyễn Văn Lực dạy Lịch sử ở Trường THCS Diên Khánh (Khánh Hòa) cho biết, năm nay, thầy được phân công dạy Lịch sử lớp 6. Mặc dù Lịch sử được thiết kế nằm trong môn tích hợp Lịch sử và Địa lý. Thế nhưng, vì trường của thầy đủ GV nên mỗi GV sẽ phụ trách một phân môn riêng.

Chưa được tham gia một lớp bồi dưỡng nào về dạy theo chương trình mới, thầy Lực khá lo lắng trước những tiết học có nội dung của cả hai môn học Lịch sử và Địa lý.

“Có nhiều nội dung môn Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và ngược lại nên GV phải có kiến thức cả về Lịch sử và Địa lý mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp này. Nhưng có bao nhiêu GV có cả kiến thức chuyên môn về cả 2 môn? Đây chính là băn khoăn của chúng tôi. Hiện nay, hầu hết GV được đào tạo để dạy đơn môn mà nay phải dạy môn tích hợp nên các thầy cô chưa được tập huấn sẽ có khó khăn nhất định” - thầy Lực chia sẻ.

Hiệu trưởng nhiều trường trung học cơ sở (THCS) cũng cho hay, GV gặp nhiều khó khăn vì chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng dạy môn mới bài bản. Thầy Nguyễn Trọng Họa, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, GV đang trong quá trình tập huấn, đào tạo nên chưa thể đồng bộ và đáp ứng theo yêu cầu của sách giáo khoa mới là 1 GV dạy 1 môn tích hợp. Vì vậy, với môn KHTN - tích hợp của 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhà trường phân công 3 thầy cô chịu trách nhiệm giảng dạy song song.

Đây cũng là cách làm chung của đa số các trường, bởi không phải thầy cô nào cũng đa năng giỏi cùng lúc ba môn học. Cùng với đó, do dịch bệnh kéo dài, thầy cô chủ yếu tập huấn một chương trình hoàn toàn mới mẻ, nên lúng túng là điều dễ hiểu.

Ra đề, chấm thi ra sao?

Một GV dạy Sinh học ở TP.HCM cho biết, trường của mình vẫn bố trí nhiều GV để dạy môn KHTN ở lớp 6: “Bây giờ nếu bảo tôi dạy cả những nội dung về Vật lý hay Hóa học thì vẫn có thể được nhưng thú thật là sẽ chỉ qua loa thôi, không thể vững vàng như các thầy cô được đào tạo về các môn học này. Điều này sẽ thiệt thòi cho học sinh. Tới đây, nếu Bộ không có giải pháp cụ thể hơn về GV thì tôi cho rằng môn KHTN sẽ vẫn chỉ như phép cộng của 3 môn Lý - Hóa - Sinh, mà thực ra là rối hơn cách dạy học trước đây”, GV đề nghị giấu tên chia sẻ.

Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm chính về chất lượng của môn học tích hợp này? Chưa kể, khi kiểm tra định kỳ buộc phải làm đề chung, như vậy để xây dựng 1 đề phải 3 GV cùng làm, 3 GV cùng chấm; Rồi bố trí phân công cho GV nào vào điểm, đánh giá. Và với một môn mà 3 GV dạy thì cả 3 cùng chịu trách nhiệm, nhưng ai chịu trách nhiệm lời phê và ký trong học bạ? - đó cũng là cả một vấn đề.

Ngay cả việc sắp xếp, bố trí GV cũng như thời khóa biểu theo chương trình mới là cả một bài toán khó. Hiệu trưởng một trường THCS ở Nghệ An cũng cho hay, bản thân lúng túng trong việc phân công GV dạy tích hợp. Nếu muốn GV dạy theo mạch kiến thức của chương trình, hết chủ đề này rồi đến chủ đề khác thì không thể đủ GV dạy cho các lớp. “Hiện nay, trường đang gặp phải cảnh thiếu GV nên việc bố trí càng bị động. Do đó, việc triển khai 2 môn tích hợp ở lớp 6 là KHTN, Lịch sử và Địa lý rất khó khăn. Để đảm bảo chất lượng, trường đang bố trí 3 GV dạy môn KHTN. Còn môn Lịch sử và Địa lý, do quá thiếu GV Lịch sử nên trường này bố trí GV môn Địa lý dạy luôn”.

Một khó khăn nữa là khi bố trí các chủ đề theo chương trình có thể dẫn tới các hiện tượng không khớp theo mạch tiến độ logic của chương trình. Ví dụ, môn Sinh học 2 tiết, môn Hóa học 1 tiết, môn Vật lý 1 tiết, có thể khiến khi học một chủ đề thì ở một môn nào đó kiến thức của học sinh chưa tới. Nếu thực hiện theo yêu cầu dạy đúng tuần tự, việc xếp thời khóa biểu là vô cùng gian nan.

Đối với học sinh ở những khu vực vẫn đang phải học online, việc dạy và học theo chương trình tích hợp càng khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thu Hương, một phụ huynh ở Hà Nội đề xuất: “Trong thời điểm các em còn đang khó khăn vì học online, Bộ GD-ĐT nên suy xét có nên tạm dừng chương trình tích hợp vì áp dụng vội vàng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thực tế dạy học tích hợp như hiện nay chỉ là sự ghép các môn lại theo từng chương, GV không thể dạy hết môn khi chưa có sự đào tạo. Do mỗi người phụ trách chương riêng nên dẫn đến việc không ai chịu trách nhiệm, làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.”.

Mặc dù, ngày 21/7/2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành 2 quyết định về chương trình bồi dưỡng GV môn KHTN và bồi dưỡng GV dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS. Tuy nhiên, theo một số GV, việc chỉ bồi dưỡng trong 3 tháng để một GV Lịch sử dạy Địa lý hoặc ngược lại thì khó có hiệu quả ngay được. Đó chỉ là giải pháp tình thế để các cơ sở giáo dục bố trí trong kế hoạch chuyên môn. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần sớm xem xét và hướng dẫn cụ thể về dạy học tích hợp để các địa phương, các trường triển khai thực hiện đồng bộ, khoa học, hợp lý. Còn nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì việc dạy học tích hợp sẽ càng lúng túng, bất hợp lý và không hiệu quả như mong đợi. Chưa kể, dạy học tích hợp được xem là giảm tải cho thầy trò, nhưng thực tế lại vô cùng rối bời.

Các trường linh hoạt khi sắp xếp thời khóa biểu

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng để giảm tải cho giáo viên, các trường có thể điều chỉnh linh hoạt hơn nữa, ưu tiên xếp thời khóa biểu trước cho lớp 6, trong đó có các môn tích hợp, sau đó sẽ điều chỉnh thời khóa biểu các khối lớp còn lại.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, việc xây dựng kế hoạch dạy học được phân cấp cho nhà trường. Trong đó, việc sắp xếp thời khóa biểu cần linh hoạt, không nhất thiết 4 tiết khoa học tự nhiên/tuần mà có thể điều chỉnh tăng, giảm sao cho phù hợp, không quá tải cho giáo viên. Trường hợp giáo viên có giờ KHTN thì các tuần đó điều chỉnh bớt 1 số tiết ở lớp khối học khác cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm cân đối về nội dung dạy học. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.

Đọc thêm