Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Đánh giá kỹ, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa

(PLVN) - Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình). Một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá khả năng huy động, bố trí tài chính và việc giải ngân vốn để bảo đảm hiệu quả của Chương trình.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện

Trình bày Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, với các mục tiêu tổng quát như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc…

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác. Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng.

Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với chủ trương đầu tư Chương trình; kỳ vọng Chương trình có tính đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

Bố trí nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của Chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa. Nhấn mạnh vấn đề nguồn lực tài chính, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng đây là một trong những vấn đề quyết định sự thành công của Chương trình. Theo Đại biểu, bên cạnh nguồn lực Trung ương, địa phương, Chương trình đã tính toán đến việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội để thực hiện. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách và cũng tăng thêm phần trách nhiệm cộng đồng xã hội trong việc thực hiện thành công của Chương trình.

Lưu ý thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm, được chia làm 3 giai đoạn với tổng kinh phí là hơn 256.000 tỷ đồng, Đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá khả năng huy động, bố trí tài chính và việc giải ngân vốn của Chương trình, nhất là trong bối cảnh năm 2025, chúng ta dự kiến sẽ bố trí và thực hiện hoàn thành gói 400 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ chế, xây dựng các văn bản hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng. “Công tác chuẩn bị đầu tư cũng cần được quan tâm”, Đại biểu nói.

Cũng nhấn mạnh việc Chương trình có tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong 11 năm với phạm vi tác động lớn, nhiều nội dung thành phần rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và hoạt động chi tiết, đối tượng thụ hưởng rộng, Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị cần quyết liệt trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, cách thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả các chỉ tiêu để khi Chương trình được thông qua thì có đủ cơ sở để triển khai thực hiện sớm nhất. Cùng với đó, Đại biểu cũng đề nghị ưu tiên việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực đáp ứng được nhiệm vụ để đảm bảo sự thành công của Chương trình.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) đề nghị, trong quá trình thực hiện, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời uốn nắn, nhắc nhở những hạn chế, thiếu sót; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ; nhân rộng cách làm hay, hiệu quả của các địa phương. Từ đó, góp phần đảm bảo việc bố trí nguồn lực của Chương trình, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Đọc thêm