“Thảm cảnh” điểm lịch sử chưa thôi khắc khoải, thì mùa tuyển sinh năm nay điểm chuẩn ngành sư phạm tiếp tục thấp thê thảm.
1 điểm cũng trở thành... giáo viên?
Năm nay, trong số 30 ngành của ĐH Sư phạm Hà Nội, có 11 ngành lấy điểm đỗ NV1 từ 15 điểm. Chỉ có 2 ngành có điểm chuẩn NV1 cao nhất (25 điểm) là ngành Sư phạm tiếng Anh và thể dục thể thao. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải lấy điểm chuẩn bằng sàn cho các ngành sư phạm hóa, sinh trong khi ngành sư phạm vật lý cũng chỉ là 13,5.
Các trường "top" sư phạm còn phải lấy xuống đến mức điểm sàn thì tình trạng của các trường ĐH sư phạm địa phương hay các trường có khoa sư phạm còn thê thảm hơn, khi có ngành không có thí sinh nào trúng tuyển hoặc lèo tèo vài em trúng tuyển với số điểm rất thấp. Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đa số trong 42 thí sinh trúng tuyển ngành Lịch sử có điểm ở mức 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn Sử.
Trường ĐH Cần Thơ có bốn thí sinh trúng tuyển ngành Sư phạm Lịch sử với điểm thi môn này là 1 điểm, nhiều thí sinh từ 1,25-2 điểm. Trường ĐH Đà Lạt, một thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử với điểm thi sử 0,5. Một thí sinh tại trường này trúng tuyển với tổng điểm 13 nhưng môn Lịch sử chỉ có 0,25 điểm.
“Thợ dạy” hay thầy cô?
GS.Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: “Sinh viên giỏi thì vẫn có, nhưng tôi mong muốn những sinh viên giỏi nhất. Mùa tuyển sinh năm nay ở trường tôi có thí sinh điểm đầu vào 27, 28. Học sinh THPT chuyên vẫn có nhiều em thi vào sư phạm. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là hiện nay các thí sinh ở thành phố lớn không thi vào sư phạm. Thế hệ giáo viên ở đây là những em ở vùng khác. Khi vào môi trường giáo dục thành phố các em phải thay đổi nhiều thứ, như lối sống, để tiếp cận với đối tượng học sinh, vốn có cách sống xa lạ với các em”.
Không ít người trong cuộc cho rằng, phần lớn sinh viên mới ra trường đều phải qua đào tạo lại từ 2-3 năm. Đó là nói tới những giáo viên có tư duy tốt. Với những thí sinh trúng tuyển với mức điểm thấp thì khó có tư duy tốt để tiếp thu những tư tưởng và cách tiếp cận học sinh theo lối hiện đại, yêu cầu của chương trình mới. Nếu giáo viên không có tư duy tốt thì chỉ giống như “thợ dạy” chứ không thể có sự chủ động và sáng tạo. Mỗi bài học trong sách giáo khoa, nhìn qua rất đơn giản, nếu giáo viên có kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung trong sách, hiểu được nguồn gốc vấn đề thì chắc chắn giảng bài sẽ khác.
Ông Ngô Đắc Chứng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế cho biết, với mức điểm đầu vào trung bình là 5 điểm mỗi môn đào tạo đã là hơi khó rồi, huống chi là thấp hơn! Còn GS.Nguyễn Viết Thịnh khẳng định: “Tôi cho rằng cần phải tiên lượng đầu vào thấp như thế sẽ có tác động tới 10 năm sau”.
Có thể nói, có rất nhiều vấn đề nan giải đặt ra, khi mà trường phổ thông đang đổi mới dạy và học nhưng cách dạy ở các trường đào tạo sư phạm, nơi được coi là “cỗ máy cái” để nâng cao chất lượng giáo dục vẫn dạy theo tư duy cũ và truyền thống. Giáo sinh ra trường nếu về các thành phố lớn đương nhiên rất khó tiếp cận. Và với điểm đầu vào thấp như vậy cũng không thể mong đợi các giáo sinh ra trường sẽ là những thầy cô giỏi. Hơn nữa, với nhiều thí sinh vào sư phạm vì không còn cơ hội nào khác, đúng với kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì rất khó để mong họ yêu nghề và tận tụy với vai trò người thầy, người dạy chữ và dạy người cho các thế hệ tương lai...
Nỗi buồn nhà giáo
Có một thực tế khiến ngành sư phạm không hấp dẫn thí sinh không chỉ là ở chính sách lương bổng quá thấp, cơ hội chuyển ngành thấp mà khi học ngành này, người ra trường “ế ẩm” hàng loạt. Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, những năm gần đây, nhu cầu giáo viên đã bão hòa, mỗi năm số sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa được phân công lên đến hàng trăm người mỗi tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết, năm nay Sở nhận được khoảng 1.400 hồ sơ tuyển dụng giáo viên các cấp nhưng chỉ có thể giải quyết được 1.100 hồ sơ. Nhưng như thế cũng là nhiều vì ở nhiều địa phương khác tình hình còn buồn hơn. Ví như năm 2011, chỉ tính riêng bậc THPT, tỉnh Đồng Tháp nhận 890 hồ sơ tuyển dụng nhưng chỉ giải quyết được 90 hồ sơ. Khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm chưa biết đi đâu về đâu. Bà Đoàn Thị Minh Công - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cũng cho biết ở Hải Dương, sinh viên sư phạm ra trường rất thừa, nhiều người tốt nghiệp loại khá vẫn không tìm được việc làm.
Hơn nữa, hệ thống các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành sư phạm được nhận xét là đang khá “lôm côm”. Các mô hình đào tạo sản sinh ra từ những trường “ngoại đạo” có đào tạo sư phạm khiến cho năng lực nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không được đảm bảo. Chẳng hạn, các trường đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, rồi đến cả công nghiệp, kỹ thuật công nghiệp cũng tham gia đào tạo sư phạm. Những trường sư phạm truyền thống thì phải mở thêm các ngành thời thượng như tài chính, kế toán... Thế nên, nhiều địa phương đã tìm cách để từ chối hoặc đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp từ các mô hình này.
Chất lượng đào tạo thấp, rõ nhất phải kể tới là đào tạo giáo viên mầm non. Bà Đoàn Thị Minh Công lo ngại trước tình hình giáo viên mầm non đang rất thiếu ở nhiều địa phương, trong khi các trường mầm non tư thục thì nở rộ và buông lỏng. Bởi lẽ thực tế, “nhiều học sinh tốt nghiệp THPT không thi hoặc thi trượt ĐH được xét tuyển bằng học bạ để đào tạo trung cấp mầm non, một tháng học từ 7-10 ngày, sau 2 năm tốt nghiệp 100%. Sau đó lại được liên thông lên ĐH - CĐ với thời gian 2 - 3 năm, 1 tháng lại học vài buổi và ra trường có bằng ĐH nhưng chuẩn nghề nghiệp, năng lực đứng lớp rất hạn chế” - bà Đoàn Thị Minh Công đánh giá.
Uyên Na