Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, bạn sẽ thấy nơi đâu cũng bày bán thịt chuột đồng. Ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc, thì món chuột đồng quay lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ và thường chỉ có vào mùa gặt.
Chuột đồng quay lu là món đặc sản của miền Tây. Ảnh: I.T
Thực tế chuột đồng rất sạch, bởi chúng chuyên ăn lúa gạo, vì thế không mang nhiều vi khuẩn. Người dân sau mùa gặt dùng bẫy hoặc giăng lưới, đốt rơm hum khói để bắt chuột đồng. Có người sau một ngày lao động, cả nhóm thui luôn chuột giữa đồng rồi ngồi nhậu lai rai. Thịt chuột hun trong rơm rạ thơm mùi nắng, ngon tuyệt.
Tuy nhiên, nhiều người lại chế biến theo cách cầu kỳ hơn là nướng lu. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị cho thấm, sau đó móc từng con vào lu. Người chế biến phải rất khéo, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, để sao cho lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm.
Chuột đồng được làm sạch, tẩm ướp rồi cho vào lu nướng. Ảnh: I.T
Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp, nhưng quay lu có lẽ là ngon hơn cả và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10, cũng là mùa nước nổi.
Chuột đồng quay lu vàng óng, bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến thực khách phải xuýt xoa với mùi thơm nức hấp dẫn. Chuột nướng lu ăn kèm muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo... Cắn miếng thịt chuột, cảm nhận lớp da giòn tan, thịt thơm và mềm, bạn sẽ quên mất cảm giác ghê ghê, chỉ còn vị ngọt cứ tan dần trong huyết quản.
Thịt đường bày bán nhiều ở miền Tây mùa tháng 9, 10. Ảnh: I.T
Nếu đã từng một lần nếm thử chuột đồng chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi và muốn quay lại miền Tây để thưởng thức.