Chuyện ba nữ khoa học gia đưa Ấn Độ vào vũ trụ

(PLO) -Hai năm trước, khi các nhà khoa học Ấn Độ đã thành công trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh sao Hỏa. Một bức ảnh chụp cho thấy một tốp phụ nữ vận các bộ trang phục sari truyền thống, cài hoa trên tóc trong buổi lễ mừng vinh danh họ, được tổ chức bởi Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) ở miền Nam thành phố Bangalore. 
Bộ tam các nữ khoa học gia vũ trụ của Ấn Độ (từ trái qua phải) Ritu Karidhal, Anuradha TK và Nandini Harinath
Bộ tam các nữ khoa học gia vũ trụ của Ấn Độ (từ trái qua phải) Ritu Karidhal, Anuradha TK và Nandini Harinath

Đó là những phụ nữ - các nhà khoa học kỳ cựu tham gia sự nghiệp chinh phục vũ trụ của Ấn Độ và bức ảnh đã “đạp đổ” định kiến lâu nay rằng, ngành khoa học tên lửa  ở Ấn Độ là phải dành cho nam giới. 

ISRO đã lên tiếng xác thực, những phụ nữ đó đang làm việc cho sứ mạng sao Hỏa, có mặt tại phòng kiểm soát tại thời điểm phóng vệ tinh. 

Những “phụ nữ sao Hỏa”

Lớn lên tại thành phố Lucknow, miền Bắc Ấn Độ, khi tuổi thơ,  nữ khoa học gia Ritu Karidhal thường “tự hỏi về kích cỡ mặt trăng, tại sao mặt trăng mọc và lặn. Tôi muốn biết chuyện gì đằng sau vũ trụ tối đen”. 

Là một sinh viên khoa học rất yêu thích vật lý và toán, Karidhal chuyên lùng sục báo chí hàng ngày để nắm thông tin về NASA và các dự án của ISRO, kỳ công thu thập từng mẩu tin tức và đọc các chi tiết nhỏ nhất về bất kỳ thứ gì có liên quan đến khoa học vũ trụ. Sau khi nhận bằng sau đại học, bà Karidhal kể lại: “Tôi nộp đơn tại ISRO và đó là lý do tại sao tôi muốn trở thành một nhà khoa học không gian”.

Giờ đây đã 18 năm trôi qua, bà Karidhal đã kinh qua vài dự án tại ISRO bao gồm  sứ mạng sao Hỏa đầy uy tín. Sứ mạng sao Hỏa bắt đầu vào tháng 4.2012 và các nhà khoa học chỉ có 18 tháng để tóm lấy hành tinh Đỏ. Bà Karidhal kể: “Đó là một ô cửa nhỏ xíu, vì thế thách thức là nhận thức đúng đắn về thời gian của dự án. Chúng tôi không có dữ liệu về sứ mạng liên hành tinh, vì thế chúng tôi phải làm gấp đôi trong thời gian ngắn”.  

Bức ảnh này chụp về các quản trị viên của ISRO trong buổi lễ vinh danh
Bức ảnh này chụp về các quản trị viên của ISRO trong buổi lễ vinh danh 

Mặc dù các nữ khoa học gia tham gia ngay tại thời điểm thai nghén dự án, nhưng bà Karidhal nói, thành công của dự án là sự nỗ lực của cả nhóm: “Chúng tôi thường ngồi với các kỹ sư, là những bộ óc ưu tú,bất kể thời gian, có khi làm việc cuối tuần”.

Là mẹ của 2 đứa con nhỏ, bà Karidhal không dễ cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống nhưng “tôi có sự ủng hộ của gia đình, chồng và các chị em tôi. Lúc đó, con trai tôi mới 11 tuổi, con gái mới lên 5. Chúng tôi có cả núi việc để làm, quản lý thời gian hợp lý, có lúc tôi tưởng mình kiệt sức và trở về nhà, ngó mặt con, chơi đùa với chúng để lấy lại cân bằng”.

Ngạn ngữ có câu: “Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim” nhưng sau thành công của “sứ mạng sao Hỏa”, giờ đây người Ấn gọi nhóm của bà Karidhal là “phụ nữ từ sao Hỏa”. Bà Karidhal nhấn mạnh: “Sứ mạng sao Hỏa là một thành tựu, nhưng chúng tôi cần làm nhiều hơn thế. Đất nước này cần nhiều hơn từ chúng tôi để có thể vững vàng như đàn ông. Liệu ai tốt hơn các nhà nữ khoa học chứ?” 

Đam mê

Còn đối với Anuradha tại ISRO, bầu trời là giới hạn, bà chuyên về việc gửi đi các vệ tinh thông tin vào không gian, cách 36.000km từ trung tâm trái đất. Nhà nữ khoa học này đã làm việc tại ISRO trong suốt 34 năm qua, là cô bé từng có suy nghĩ về vũ trụ từ năm lên 9 tuổi.

Anuradha nhớ lại: “Đó là khi phóng tàu vũ trụ Apollo, khi Neil Armstrong hạ cánh trên mặt trăng. Ngày đó chúng tôi nào biết TV là gì, chủ yếu là nghe qua tin tức từ cha mẹ và thầy cô ở trường. Tôi đã viết một bài thơ về việc con người hạ cánh trên mặt trăng bằng tiếng Kannada, tiếng mẹ đẻ của tôi”. 

Sứ mạng sao Hỏa là sứ mạng liên hành tinh đầu tiên của Ấn Độ
Sứ mạng sao Hỏa là sứ mạng liên hành tinh đầu tiên của Ấn Độ 

Bà Anuradha tỏ ý bất đồng khi cho rằng phụ nữ và khoa học không có liên quan. Anuradha nhìn nhận: “Tôi không tin rằng các cô gái xứ Ấn không tin chút nào về khoa học, tôi nghĩ rằng toán học là một đề tài thú vị”. Năm 1982 khi tham gia ISRO, cơ quan này khi đó mới chỉ có vài phụ nữ và chỉ có số ít người trong bộ phận kỹ thuật. “Ngày hôm nay, trong số trên 16.000 nhân viên tại ISRO có từ 20 đến 25% là phụ nữ và chúng tôi không còn đặc biệt nữa” - bà Anuradha cười. 

Bà nói thêm: “Ở ISRO, giới tính không thành vấn đề mà quan trọng là tuyển dụng và các chính sách cải tiến dựa trên “thứ mà chúng tôi biết và cống hiến”. Đôi khi tôi quên bản thân mình là phụ nữ ở đây. Ở đây, bạn sẽ được đối xử công bằng như nhau”.

Theo Anuradha, có thêm nhiều nữ giới trong môi trường công sở thì sẽ tạo ra thêm nhiều động lực cho những phụ nữ khác. Bà Anuradha khuyên chị em phụ nữ muốn trở thành nhà khoa học tên lửa thì rất đơn giản: “Hãy biết cách sắp xếp thời gian”:

“Trước khi làm khoa học đạt chất lượng thì quý vị phải biết cách sắp xếp ổn thỏa công việc nhà. Ông xã tôi và bố mẹ của anh ấy luôn hợp tác với tôi, vì thế tôi không lo lắng nhiều về chuyện săn sóc con cái. Và sự thành công đến là do tôi khéo sắp xếp mọi thứ. Bạn phải trao ra một thứ gì đó thì sẽ nhận lại tương tự. Cuộc sống cũng thế. Ở bất kỳ nơi đâu, trong nhà hay trong cơ quan, tôi đều làm việc với niềm đam mê”...

Các nhà khoa học của sứ mạng sao Hỏa cần mẫn làm việc nhiều giờ trước khi phóng vệ tinh
Các nhà khoa học của sứ mạng sao Hỏa cần mẫn làm việc nhiều giờ trước khi phóng vệ tinh 

Thành tựu

Trải nghiệm đầu tiên của bà Harinath với khoa học là từ bộ phim truyền hình Star Trek, bà nói: “Mẹ tôi là giáo viên toán, còn cha tôi là kỹ sư và rất giỏi về vật lý, vì thế cả nhà tôi ai cũng mê coi phim Star Trek và khoa học giả tưởng, chúng tôi cùng ngồi bên nhau và xem”. Dĩ nhiên, lúc coi phim, bà Harinath không hề nghĩ rằng rồi một ngày kia mình sẽ là một nhà khoa học vũ trụ. 

Là một thành viên của “sứ mạng sao Hỏa” và là đỉnh cao trong sự nghiệp của mình, bà Harinath tự hào nói: “Không chỉ là thành công của ISRO mà còn là niềm kiêu hãnh của Ấn Độ. Nó đưa chúng ta vào bệ phóng, các quốc gia khác đang nhìn sự hợp tác, tầm quan trọng và chú ý đến chúng tôi.

Đó cũng là thời điểm mà lần đầu tiên ISRO trưng ra công luận về thứ gì đang diễn ra bên trong, chúng tôi đối mặt với truyền thông, chúng tôi có Facebook riêng, và thế giới nhìn vào. Tôi tự hào về thành tựu của mình, nhưng đôi khi tôi cũng thấy xấu hổ (cười). Giờ đây, người ta nhìn tôi bằng một ánh mắt khác. Người ta reo vui khi nhận ra tôi là một nhà khoa học. Tôi thật sự rất hài lòng”. 

Harinath nói, bà đón nhận “niềm kiêu hãnh bất tận” ở Mangalyan, đó là bức ảnh chụp tờ tiền 2.000 Rupee mới. Nhưng thành công không hề dễ dàng, mà đã tích lũy từ rất lâu. Ở buổi ban đầu, các nhà khoa học làm việc 10 tiếng mỗi ngày, nhưng gần sát đến ngày phóng, họ phải tăng tốc làm từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.

“Sứ mạng sao Hỏa” là niềm kiêu hãnh quốc gia của người Ấn
“Sứ mạng sao Hỏa” là niềm kiêu hãnh quốc gia của người Ấn 

Bà Harinath kể: “Sáng sớm chúng tôi có mặt ở cơ quan, cả ngày làm việc, tối mịt về nhà, ngủ đúng vài tiếng. Nhiều đêm chúng tôi mất ngủ. Chúng tôi hì hục tìm ra các hỏng hóc và xử trí thật nhanh. Tôi không có cả thời gian dạy con khi mà kỳ thi của cháu lại rơi vào thời điểm đó. Tôi như chạy đua, nhưng lúc này đây thì chúng tôi ngoảnh lại với niềm tự hào.

“Sứ mạng sao Hỏa” rất quan trọng đối với thành tựu của một đời người, là một thành tựu khổng lồ, nhưng giờ cũng đã qua rồi. Chúng tôi cần nhìn về tương lai, có thêm nhiều “khu dân cư” vũ trụ đang đợi được khám phá, và đây là thời điểm hợp lý”...

Đọc thêm