Chuyển biến tích cực trong công tác dân số tại tỉnh Thừa Thiên Huế

(PLVN) - Trong năm qua, công tác Dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động đã được triển khai với những giải pháp tích cực, có trọng tâm, trọng điểm nên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ

Nhiều thành quả được ghi nhận

Năm 2024, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực các ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên dân số, công tác dân số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng.

Công tác tuyên truyền, vận động từng bước được đổi mới, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp đã góp phần quan trọng làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân số và phát triển. Nhiều chỉ tiêu đạt theo kế hoạch đề ra như ổn định quy mô dân số với 1.178.550 người; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 88,1%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 63,1%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 87,8%, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai đạt 68,1%; giảm tỷ lệ tảo hôn tại Nam Đông, A Lưới xuống còn 2,19%,...

Thời gian qua, công tác giáo dục dân số bắt đầu từ thế hệ trẻ được Chi cục dân số tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trên nhiều trường học.

Nguồn lực đầu tư cơ bản được đảm bảo; các mô hình, đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số được tích cực thực hiện, phát huy hiệu quả; chất lượng dân số ngày càng được nâng lên. Đơn cử như mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”, năm 2024, toàn tỉnh có 2 cụm dân cư đạt 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên là thôn Buồng Tằm, xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ và thôn Phú Nam, xã Hương Phú, huyện Nam Đông giai đoạn 2021-2024; và đã trình UBND tỉnh để ra Quyết định khen thưởng theo quy định.

Đội ngũ dân số viên các xã, phường, thị trấn có sự gia tăng về chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu công tác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số được quan tâm, triển khai thường xuyên. Hàng năm, Sở Y tế, Chi cục Dân số phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh đến cơ sở.

Các hoạt động đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ được tổ chức thường xuyên tại các cơ sở y tế, đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng. Chất lượng dịch vụ SKSS/KHHGĐ ngày càng được nâng cao. Hoạt động này được Khoa chăm sóc SKSS-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã và các đơn vị liên quan như Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, Bệnh viện đa khoa Bình Điền, Khoa sản Bệnh viện Trung ương Huế, Khoa Sản bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế triển khai, đáp ứng đầy đủ dịch vụ cho khách hàng.

Khám sàng lọc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân mang lại lợi ích cho các bạn trẻ

Tiếp tục giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên

Theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, phải thực hiện đồng thời “mục tiêu kép” vừa nâng cao chất lượng dân số, vừa thực hiện mục tiêu giảm sinh. Tuy nhiên hiện nay, Thừa Thiên Huế là một trong 33 tỉnh, thành có mức sinh cao trên mức sinh thay thế và hằng năm phải giảm 10% để đến năm 2030 đạt mức sinh thay thế. Bên cạnh đó, ngành dân số thời gian tới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Chia sẻ về những khó khăn mà ngành dân số tỉnh đang phải đối mặt, BS.CKII Phan Đăng Tâm - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số gia tăng gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện vẫn tăng nhưng nguồn cung ứng phương tiện tránh thai chưa đa dạng, đầy đủ, kịp thời.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chuyển đổi nhận thức là công tác dân số chuyển trọng tâm từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển nên chưa quan tâm đúng mức đến yếu tố cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ dân số kiểm tra tình trạng tảo hôn ở huyện A Lưới

Đa số viên chức dân số cấp huyện, xã không có chuyên môn về y tế nên khó khăn trong việc giám sát tình hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ của Trạm Y tế tuyến xã theo Quyết định số 134/QĐ-BYT ngày 19/01/2022 của Bộ Y tế. Ngoài ngân sách tỉnh cấp cho hoạt động chương trình dân số, một số huyện vẫn chưa quan tâm, đầu tư kinh phí cho các hoạt động dân số triển khai tại địa phương; Trang thiết bị y tế tại trạm Y tế huyện, xã vẫn chưa đáp ứng được theo quy định về khám sức khoẻ cho thanh niên trước khi kết hôn...

Cũng theo BS.CKII Phan Đăng Tâm, trong năm 2025, Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh; Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hoá dân số; Nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch trong thời gian tới, Chi cục Dân số tỉnh đề xuất Bộ Y tế, Cục Dân số, sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn các cơ chế, chính sách để chỉ đạo công tác Dân số trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm cho việc đầu tư nguồn phương tiện tránh thai để cung cấp cho người dân khi có nhu cầu sử dụng nhằm đảm bảo việc giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chi cục dân số cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các đơn vị chú trọng đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ biên chế làm công tác dân số các cấp. Đồng thời quan tâm cho việc đầu tư kinh phí mua phương tiện tránh thai để cung cấp cho người dân khi có nhu cầu sử dụng nhằm đảm bảo giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Bố trí tăng nguồn kinh phí từ ngân sách của địa phương đầu tư cho Chương trình dân số để đảm bảo triển khai các hoạt động công tác dân số của tỉnh đạt hiệu quả; đặc biệt để duy trì và mở rộng các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn và thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các địa phương.

Đọc thêm