Lan tỏa niềm tin, dựng 'thế trận lòng dân' trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với công tác dân vận mang tính truyền thống, công tác dân vận trên Internet và mạng xã hội đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của những chiến sĩ tác chiến không gian mạng mà còn là sứ mệnh xây dựng cầu nối niềm tin giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thượng tá Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm 586 trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới tỉnh Sơn La. (Ảnh: Trung tâm 586)
Thượng tá Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm 586 trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới tỉnh Sơn La. (Ảnh: Trung tâm 586)

Từ những hành trình tháng Ba hướng về biên giới…

Mỗi độ tháng Ba về, các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm 586 lại lên đường thực hiện một hành trình mang đậm nghĩa tình dân tộc - chương trình “Tháng Ba Biên Giới” và “Đồng hành cùng Phụ nữ Biên Cương”. Hành trình này không chỉ nối dài truyền thống dân vận của đơn vị mà còn mang những giá trị tinh thần đặc biệt, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho đồng bào vùng biên giới xa xôi.

Tháng Ba năm nay, Đoàn công tác của Trung tâm 586 đã đến xã Chiềng Tương, tỉnh Sơn La, một địa bàn còn nhiều khó khăn. Những phần quà - từ quạt, quần áo, sách vở đến thực phẩm được chuẩn bị chu đáo, mang theo tình cảm và sự sẻ chia của người lính hậu phương. Có 20 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 10 phụ nữ nghèo đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực, nhưng điều họ nhận được nhiều hơn thế chính là niềm động viên tinh thần và cảm giác ấm áp trước sự quan tâm chân thành.

Bà con vùng biên, những người đã quen với gió núi, nắng ngàn, không giấu được niềm xúc động khi thấy hình ảnh những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” sát cánh bên mình. Những phần quà nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy không chỉ giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là nguồn động lực để vươn lên trong cuộc sống. “Đây không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam”, Thiếu tá Nguyễn Công Lưu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Tương chia sẻ.

Không chỉ mang lại sự thay đổi tích cực nơi địa bàn biên giới, chương trình còn là một bài học lớn cho các cán bộ trẻ tại Trung tâm 586. Những chuyến đi thực tế giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của tình người, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh thầm lặng của những người lính nơi tuyến đầu. Đây cũng là cơ hội để khơi dậy trong họ niềm tự hào về truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng sống và tinh thần cống hiến vì cộng đồng.

Cán bộ, nhân viên của Trung tâm 586 chuẩn bị quà cho người dân. (Ảnh: Trung tâm 586)

Cán bộ, nhân viên của Trung tâm 586 chuẩn bị quà cho người dân. (Ảnh: Trung tâm 586)

Theo Thượng tá Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm 586, “Tháng Ba Biên Giới” và “Đồng hành cùng Phụ nữ Biên Cương” không chỉ là hoạt động hỗ trợ, mà còn mang tính lan tỏa lớn, khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc. Đây là minh chứng cho sự chung tay của các lực lượng xã hội nhằm chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn nơi vùng biên, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phối hợp liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và các nguồn lực xã hội sẽ là yếu tố then chốt để chương trình không chỉ dừng lại ở những hỗ trợ tức thời mà còn tạo ra những thay đổi bền vững cho cuộc sống của bà con vùng biên giới.

Đến hành trình xây dựng “thế trận lòng dân” trên mạng xã hội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Thực tiễn, công tác dân vận luôn gắn liền với lịch sử vẻ vang của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần lời dạy ấy, các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm 586 đã không ngừng nỗ lực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, không chỉ nơi biên giới, trên địa bàn mà còn trên cả không gian mạng. Chính sự kết hợp giữa công tác dân vận truyền thống và các hoạt động dân vận hiện đại đã giúp Trung tâm thực sự trở thành cầu nối niềm tin giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội đang trở thành công cụ kết nối phổ biến, ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi và nhận thức của mỗi cá nhân. Mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, thông qua việc tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Một số trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, kích động dư luận, từ phản biện xã hội đến lợi dụng các vụ việc như Đồng Tâm hay Formosa để kêu gọi biểu tình, bạo loạn. Đồng thời, mạng xã hội cũng làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước khi nhiều cán bộ, đảng viên thiếu ý thức bảo mật, vô tình tạo cơ hội để các tài liệu mật bị phát tán, xuyên tạc. Không chỉ vậy, mạng xã hội còn tác động tiêu cực đến văn hóa, xói mòn bản sắc dân tộc, khi trào lưu lối sống phương Tây cùng thông tin nhiễu loạn làm lệch lạc giá trị văn hóa và ứng xử. Cạnh đó, môi trường ảo này cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các hoạt động tội phạm, từ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến buôn bán hàng cấm, ma túy và vũ khí, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Công tác dân vận trên mạng xã hội là nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. (Ảnh: xaydungdang.org)

Công tác dân vận trên mạng xã hội là nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. (Ảnh: xaydungdang.org)

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thực hiện công tác dân vận trên mạng xã hội một cách nhạy bén và hiệu quả, nhằm xây dựng niềm tin, định hướng dư luận và bảo vệ các giá trị văn hóa, đạo đức trong xã hội. Đơn cử, trong đợt bão Yagi tại miền Bắc, các chiến sĩ đã biên tập, đăng tải nhiều video, bài viết về thông tin di chuyển của bão, kinh nghiệm phòng, chống bão, hướng dẫn an toàn trước, trong và sau bão, đặc biệt là hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Từ những thông tin và bài viết trên nhân dân đã có những bài viết, bình luận, chia sẻ thể hiện sự cảm mến, khâm phục sự dũng cảm, hy sinh của người chiến sĩ; hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng trong lòng dân.

Các hoạt động nhân văn, ý nghĩa như các chương trình thăm hỏi, động viên, tặng quà chính sách các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ, Tết; hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ; tham gia hiến máu nhân đạo… cũng được lan tỏa trên không gian mạng, nhận được sự ủng hộ, yêu mến từ cộng đồng. Điển hình, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho 02 cháu mồ côi mẹ do dịch Covid-19 tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thu hút nhiều lượt tương tác bày tỏ tình cảm yêu mến, khâm phục đối với những hoạt động ý nghĩa của người lính Cụ Hồ.

Trong thời đại công nghệ, việc lan tỏa thông tin tích cực chính là cách xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết và định hướng đúng đắn trong cộng đồng mạng. Những câu chuyện đẹp, những hình ảnh truyền cảm hứng, những bài học ý nghĩa không chỉ có sức mạnh kết nối con người, khơi dậy lòng tin yêu, ý thức cống hiến mà còn giúp mỗi người dân cảnh giác, nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước những dòng thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước. Tự giác bài trừ, đấu tranh với những luận điệu sai trái không chỉ là hành động bảo vệ bản thân mà còn là bảo vệ đất nước. Khi đó, người dân không chỉ là người dùng mạng, họ cũng là những “chiến sĩ âm thầm trên sóng”, cùng chung tay xây dựng một không gian mạng văn minh, đồng thời góp sức sức làm cho xã hội ngày càng tích cực, vững mạnh hơn.

Đọc thêm