Chuyện cảm động ở nơi 'vợ chồng' Thanh Bạch dùng tiền mừng cưới làm từ thiện

(PLO) -Mới đây, MC Thanh Bạch gây “chấn động dư luận” khi tổ chức đám cưới lần thứ 8 với “bà trùm Paris by night” Thúy Nga. Tuy nhiên, theo như “chú rể” thì đây chỉ là đám cưới được tổ chức để quyên góp tiền ủng hộ 100 trẻ em nghèo khuyết tật ở Củ Chi (TP.HCM). 
Vợ chồng MC Thanh Bạch - Thúy Nga làm từ thiện ở Mái ấm Thiện Duyên ngày 15/7.
Vợ chồng MC Thanh Bạch - Thúy Nga làm từ thiện ở Mái ấm Thiện Duyên ngày 15/7.

“Đây là lần thứ 8 tụi tôi tổ chức tiệc cưới. Một năm tổ chức 3 lần. Tôi và chị Thúy Nga được mọi người ủng hộ để quyên góp từ thiện, giúp đỡ má Mười và các trẻ em tàn tật”, MC Thanh Bạch vui vẻ cho biết. 

Phóng viên PLVN đã tìm về Mái ấm Thiện Duyên (ngụ số 67 (73 số cũ) Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), nơi 'vợ chồng' MC Thanh Bạch đến làm từ thiện và được “mắt thấy tai nghe” câu chuyện cảm động người nữ thương binh đặc biệt Trần Thị Cẩm Giang.

Tấm lòng nhân hậu

Bỏ lại phía sau những ồn ào của Sài Gòn tấp nập, chúng tôi về miền đất địa đạo Củ Chi vào một chiều thứ bảy, nơi có má Mười nuôi hơn trăm em nhỏ khuyết tật đáng thương. 

Bước chân vào Mái ấm Thiện Duyên, tôi không khỏi nao lòng bởi những nụ cười đến ngây ngô, vô cảm lẫn những tiếng đùa nghịch đập phá khiến khoảng không gian chật hẹp trở nên thêm hỗn tạp.

Đến nay, mái ấm của má Mười đã có 125 em nhỏ, trong đó có 73 em bị bại não, chỉ ăn và nằm một chỗ với đủ các tư thế khác nhau. Số còn lại là những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật nhẹ. Mỗi em có một hoàn cảnh, một số phận bất hạnh khác nhau. 

MC Thanh Bạch và các em nhỏ.
MC Thanh Bạch và các em nhỏ.

Má Mười (tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, SN 1938) là người thành lập và là Chủ nhiệm Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiện Duyên (Mái ấm Thiện Duyên).  Rót cho tôi chén trà, má Mười bắt đầu câu chuyện của mình. 

Thời đó, Củ Chi là vùng trắng, ngoài đường là chính quyền chế độ cũ, trong rừng là quân cách mạng. 14 tuổi, khi chứng kiến sự tàn ác của kẻ thù, má Mười đã xin tham gia hoạt động cách mạng. Lúc ấy, má được phân công làm công tác vận động thanh thiếu niên huyện Củ Chi giác ngộ ánh sáng cách mạng. Sau đó, má được tổ chức điều động đến ban Hoa vận tại khu Sài Gòn - Gia Định cũ. 

Má Mười không khỏi rưng rưng khi nhớ về người em trai đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dẫu biết trong chiến tranh đau thương mất mát là chuyện thường tình, nhưng em trai má ra đi lúc tuổi đời còn quá trẻ... Gạt nước mắt đau thương của nỗi đau riêng, má Mười tiếp tục bí mật hoạt động. 

Không may, má bị địch bắt, chúng giam cầm và tra tấn hết sức dã man nhưng người phụ nữ kiên cường ấy không hề khuất phục. Ngày được nhìn thấy bầu trời, má Mười đã là một thương binh 4/4. Trên người má bây giờ chi chít những vết sẹo. Nhìn má xòe đôi bàn tay và những ngón chân bị mất hết móng, tôi bỗng thấy rùng mình vì những trò tra tấn man rợ của giặc Mỹ. 

Sau giải phóng, má Mười được bầu làm Chủ tịch UBND phường 23, Quận Tân Bình (bây giờ là phường 10, Quận Tân Bình) trong 2 nhiệm kỳ.

“Tuy ngày ấy làm chủ tịch phường nhưng má không có biết chữ, sau giải phóng má lại bắt đầu công cuộc đánh vật với con chữ. Sau bao ngày vùi đầu học, cuối cùng cũng thi đậu hết khóa học bổ túc văn hóa ở cái tuổi ngoài “băm” (ngoài năm mươi – PV) đó con”, má Mười vui vẻ chia sẻ.

Cũng theo lời má Mười, ngày mới giải phóng, đất nước mình còn nghèo nên khi nhìn thấy những đứa trẻ hình hài dị tật, bị gia đình bỏ rơi, má thương lắm. Hồi trước, nhà má cũng nghèo, má được mọi người giúp đỡ rất nhiều nên má nghĩ tại sao mình lại không giúp đỡ lại các em nhỏ?

Nói là làm, lúc đầu má Mười nhận nuôi 3 đứa con của đồng đội bị nhiễm chất độc màu da cam. Bằng tình thương của mình, người phụ nữ nhân hậu này đã nhận những đứa trẻ khuyết tật về chăm sóc. Dần dà, những đứa trẻ sơ sinh tật nguyền bị bỏ rơi má gặp càng nhiều hơn. Cũng có người đem con tới gửi hoặc bỏ con ngay ngoài cửa. 

Má Mười bên những “đứa con” của mình.
Má Mười bên những “đứa con” của mình.

Số trẻ cứ ngày một tăng lên. Có những lúc khó khăn má Mười tưởng chừng như bản thân sẽ phải bỏ cuộc vì không đủ tiền nuôi các con nhưng khi nhìn thấy những mảnh đời không lành lặn ấy, má Mười không nỡ quay lưng đi.

Người nữ thương binh trăn trở ngày đêm rồi cuối cùng cũng quyết định bán đi căn nhà được Nhà nước cấp tại KCN Tân Bình để về Củ Chi xây dựng Mái ấm Thiện Duyên trên mảnh đất của ông bà để lại.

Căn nhà được chia thành nhiều khu vực riêng biệt, phù hợp với từng nhóm đối tượng: trẻ bị bại não, trẻ mắc bệnh nhẹ, trẻ bình thường, người già neo đơn... Ngoài ra, Mái ấm Thiện Duyên cũng có khu vực nấu ăn, tắm giặt, học tập, vui chơi giải trí, làm việc...

Những mảnh đời bất hạnh

Ngồi nghe má Mười kể chuyện, tôi không khỏi xót xa. Gần ngay đó, thi thoảng tôi lại nghe thấy những tiếng la hét. Thấy tôi chú ý, má Mười cho hay: “Mấy đứa ở đây đa phần đều bị dị tật bẩm sinh, trí tuệ, sức khỏe đều không bình thường. Chúng cứ thích là la như vậy bất kể sáng đêm. Có đêm đang ngủ, một đứa thức dậy hét lên, vậy là tất cả cùng bật dậy rồi la hét cả đêm!”.

Nói rồi, má Mười dẫn tôi xuống thăm các em. Khi thấy má Mười xuống, nhiều em ú ớ gọi: “Má, má...”. Theo lời má Mười, tên các em hầu hết do má đặt, phần lớn các bé trai mang chữ “Thiện” như: Thiện Tâm, Thiện Chí, Thiện Đức..., bé gái mang chữ “Duyên” như: Cẩm Duyên, Mỹ Duyên, Ngọc Duyên... với ước mong các em sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn đến với các em.

Vừa nói, má vừa tiến đến các giường và chỉ cho tôi từng người, đó là: em Thiện bị bỏ rơi ở hồ sen, có bác xe ôm thấy bèn bế về nhờ má nuôi, thần kinh không tốt, đầu cứ lắc qua lắc lại nên gọi là Thiện “lắc”; em “Bỏ” bị ba mẹ bỏ ngay ngoài cửa, khi được phát hiện thì em đã bị kiến ăn mất một con mắt.

Bé Kim Chi sinh ra trong gia đình có 5 người đều bị bệnh chân rút lên ngực, chỉ cao chừng năm tấc, được sư cô chùa Từ Nghiêm xin về nuôi. Đến khi sư cô bị bệnh thì gửi lại nhờ má nuôi. Má Mười bảo, Kim Chi rất thích chơi với túi ni-lông.

Trên một chiếc giường khác, chị Hương đã hơn 50 tuổi nhưng nhìn vẫn như trẻ thơ. Má Mười cho biết cha mẹ của chị Hương đều đã qua đời, nhà hàng xóm thấy vậy nên đưa đến mái ấm Thiện Duyên nhờ má Mười chăm sóc. Rồi giường bên cạnh là em Minh Duyên thích cắn xé mọi thứ em cầm được... 

Má Mười- Người phụ nữ nhân hậu.
Má Mười- Người phụ nữ nhân hậu.

Cũng có em bị người mẹ của mình chối bỏ một cách tàn nhẫn. “Một hôm, má đang ngồi trước cửa thì thấy một người đàn bà đi xe ô tô đến, vội vã đặt một cái hộp xuống đất rồi lên xe đi mất. Má còn nhớ biển số xe có số 114.

Tưởng người ta cho bánh nhưng khi mở ra thì bên trong là một đứa trẻ sơ sinh, nặng chừng 1kg. Khi kiểm tra mới biết bé không có hậu môn. Má và các nhân viên đã tận tình chăm sóc em và đến nay em đã tăng cân, hồng hào và khỏe mạnh…”

Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền càng không thể kể hết nỗi cơ cực. Trong số đó, có tới 73 em bị nhiễm chất độc màu da cam và phần lớn đều bị bại não, phải nằm một chỗ hoặc đi lại rất khó khăn.

Các em không tự làm chủ được cuộc sống cũng như hành vi của mình. Mỗi em một tật, một cách chơi khác nhau nhưng má Mười cũng như các má ở trung tâm đều nhớ rất rõ để chăm sóc từng em cho phù hợp.

Nhìn cảnh các má chăm sóc kĩ lưỡng, nhẹ nhàng với từng mảnh đời mới thấy hết được tấm lòng của họ. Những hình hài nằm kia được các má chăm sóc giống như những đứa con tội nghiệp, như chính là máu mủ của mình.

“Tội nghiệp, các con sinh ra đã tật nguyền, lại còn bị bỏ rơi lăn lóc, may có người lượm được thì sống sót, còn không may do đói khát mà mất đi... Chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi cầm lòng không được. Ở đây phụ má Mười coi như là giúp đỡ một phần cho các con”, một má khác trong trung tâm cho biết.

Nương tựa vào nhau để sống

Giờ đây, dù đã gần 80, sức khỏe đã yếu, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng ngày ngày má Mười vẫn chăm lo từng miếng cơm, giấc ngủ cho những “đứa con” của mình. Mong mỏi lớn nhất của má Mười là các con có sức khỏe, được đi học đến nơi đến chốn bởi các em, các cháu đã từng chịu nhiều bất hạnh.

“Để nuôi và chăm sóc và cho các em ăn học cần phải một khoản kinh phí rất lớn. Đó là chưa kể tiền đưa các em đi bệnh viện mỗi khi bệnh nặng. Tất cả những khoản đó không thể chỉ trông chờ vào kinh phí của quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân nên cơ sở phải tự nuôi sống mình”, má Mười vừa nói vừa đưa tôi đến nơi làm việc của các em. 

Ở đây, ngoại trừ những em quá nhỏ và có thần trí hỗn loạn thì còn lại, tất cả đều phải làm thêm như kết hạt, kết cườm thủ công để kiếm thêm thu nhập.  Qua bàn tay run rẩy của các em, sản phẩm kết từ hạt cườm rất đẹp đã ra đời như bình hoa, lồng đèn, bộ tứ bình, mười hai con giáp, giỏ xách… 

Vừa nói má Mười vừa đưa cho tôi xem sản phẩm làm từ hạt cườm của các em, chúng khéo léo và tinh xảo đến mức tôi không thể tin là do chính bàn tay run rẩy, yếu ớt của các em làm ra. Ngoài ra, các sản phẩm như mứt, măng, bắp bao tử, muối tiêu, muối ớt… và các sản phẩm từ rít, bò cạp như , rượu xoa bóp cũng lần lượt ra đời.

Một số sản phẩm do các em khuyết tật ở trung tâm làm ra.
Một số sản phẩm do các em khuyết tật ở trung tâm làm ra.

Ngoài ngôi nhà là nơi mẹ con má trú ngụ, má mua được vài mảnh đất để canh tác nuôi trồng. Má nuôi heo, dế, nuôi bò cạp. Má còn bỏ công đi học kinh nghiệm trồng nấm bào ngư.

Trong xóm có công ty trồng nấm, bà chủ hay kêu người dân thứ Năm hàng tuần lên chỉ cách trồng nấm, làm kinh tế, thấy hay thế là má đi học… Má khoe tôi, sáng sáng má cùng mọi người đi bán hủ tiếu để kiếm thêm thu nhập để chi trả cho các hoạt động của trung tâm.

Dù khó khăn nhưng má chưa bao giờ đến một cơ quan, doanh nghiệp nào ngửa tay xin giúp đỡ. Làm mọi nghề, lấy ngắn nuôi dài giờ thì má có thể nuôi được cả trăm em nhỏ mà không nhờ vả ai. Thế nên, ở đây, bất cứ ai cho cọng rau, bát gạo má Mười đều rất trân trọng.

Thấy các em ốm đau liên tục, má xoay mọi cách dựng nên một căn phòng nho nhỏ, rồi kiếm tiền mua một số dụng cụ đơn giản gọi là tập vật lý trị liệu cho các em. Những y bác sĩ hảo tâm xung quanh cũng thay phiên nhau đến thăm khám từ thiện mỗi tuần, mỗi tháng một lần. 

Năm 2008, Mái ấm Thiện Duyên đã lập kỷ lục “chiếc bình bằng nút áo lớn nhất Việt Nam” và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có thư khen. Dịp Tết 2010, một mạnh thường quân đã mua một cây đào được kết bằng cườm do cơ sở Thiện Duyên làm với giá 100 triệu đồng... Tất cả những số tiền đó được chi cho việc mua sắm máy móc, phục vụ cho những sinh hoạt thường ngày của các em. 

Những năm tháng tuổi thơ, má đã phải chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh bom đạn. Với má Mười, niềm vui là được nhìn thấy những đứa con yêu thương biết vươn lên. Má luôn dạy những em có khả năng phải cố gắng học tập. Học để sau này có cuộc sống tốt hơn và để làm gương cho những đứa em nhỏ tuổi noi theo. 

Thương và nghe lời má Mười, những năm qua, hơn 30 em khỏe mạnh của mái ấm đã chăm chỉ học tập. Em lớn nhất “Bánh Trung Thu” được má nhặt về từ một nghĩa địa vào dịp trung thu đã vào lớp học xong Đại học và đang chờ lấy bằng tốt nghiệp. Nhiều em học giỏi, đem lại niềm vui cho má lúc tuổi già. 

Má Mười tâm sự: “Cuộc đời  đã cho má 125 “đứa con”. Dù khó khăn đến mấy, má cũng phải lo cho các con có cái ăn, cái mặc, đứa khỏe mạnh thì được đến trường. Má chỉ lo mình không đủ sức khỏe để chăm lo cho các con, sửa lại căn nhà cho chắc hơn khi mưa xuống...”

Nhìn mặt trời chuẩn bị khuất bóng, má Mười giục tôi về kẻo trời tối. Tạm biệt má Mười, tạm biệt Mái ấm Thiện Duyên, rời khỏi mảnh đất địa đạo Củ Chi khi chiều muộn đang xuống nhanh trên từng mái nhà.

Những nụ cười ngây ngô, những thân hình không lành lặn nhờ có má Mười cưu mang, đùm bọc nên mới có thể sống đến ngày hôm nay khiến tôi bị ám ảnh mãi. Các em vẫn cứ sống mà không biết gì đến cuộc đời bên ngoài. Nhưng ít ra, ở đây- với Mái ấm Thiện Duyên các em không phải chịu cảnh vất vưởng, bơ vơ, ngơ ngác giữa cuộc đời đầy chông gai ngoài kia...

Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm vui lòng liên hệ: Má Mười (Trần Thị Cẩm Giang). Địa chỉ: 67 (73 số cũ) Nguyễn Thị Nê, Phú Hòa, Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM. SĐT: 0938.452.246