Chuyển cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa về Bộ Công Thương từ ngày 5/5/2025

(PLVN) - Để chủ động thích ứng với tình hình mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất xứ hàng, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, ngày 22/4/2025, Cục Xuất nhập khẩu đã chủ trì tổ chức Hội nghị tổ chức triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, mã số đăng ký chứng nhận xuất xứ... 
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu khai mạc hội nghị

Để chủ động thích ứng với tình hình mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất xứ hàng, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, ngày 22/4/2025, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025 tới các cán bộ, công chức công tác tại 18 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực theo hình thực trực tuyến và trực tiếp.

Theo quy định tại Quyết định số 1103/QĐ-BCT, kể từ ngày 5/5 năm 2025, ngoài việc cấp 18 C/O ưu đãi nêu trên, các cơ quan, tổ chức cấp C/O của Bộ Công Thương sẽ triển khai việc cấp 10 loại C/O không ưu đãi (bao gồm C/O mẫu B, C/O mẫu CNM, …) và tiếp nhận đăng ký mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Na Uy và Thụy Sỹ.

Tại Hội nghị này, Cục Xuất nhập khẩu tập trung phổ biến các công tác liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện cấp các loại C/O không ưu đãi, CNM và mã số REX.

Nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo công tác thực hiện cấp C/O không ưu đãi, CNM và mã số REX được thông suốt, tránh gián đoạn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 25-26/4/2025, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục tổ chức Hội nghị đánh giá công tác cấp C/O quý I năm 2025 và tập trung công tác phổ biến, tập huấn những nội dung liên quan đến việc thực hiện cấp các loại C/O không ưu đãi, CNM và mã số REX.

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường, để chủ động thích ứng với tình hình mới, với mục tiêu thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa của Việt Nam với các nước đối tác và không ảnh hưởng đến cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa mà Việt Nam tham gia, công tác quản lý xuất xứ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và hết sức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại thị trường thế giới.

Đọc thêm