Nạn nhân mòn mỏi trên hành trình tố tụng
Ngày 28/4, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TP.HCM) xét xử sơ thẩm đối với bị cáo L.M.T , 38 tuổi, về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi’... Trong vụ án này, bị hại là cháu N.H.N, sinh năm 2004.
Theo cáo trạng, khuya một ngày tháng 6/2016, bị cáo T. thấy cháu N. đang ngủ say nên ra sức giữ chặt tay, chân và bịt miệng cháu N. để thực hiện hành vi giao cấu. Sau đó, bị cáo đe dọa không cho cháu N. kể chuyện bị xâm hại cho người khác biết. Kể từ tháng 6/2016 đến năm 2019, bị cáo T. đã xâm hại tình dục cháu N. nhiều lần. Đến khoảng 22 giờ ngày 6/4/2019, khi bị cáo T. đang quan hệ tình dục với cháu N. ngoài đồng cỏ phía trước nhà thì bị mẹ cháu N. phát hiện.
Ngày 7/4/2019, cha của cháu N. đã đến Cơ quan Công an trình báo sự việc. Đến ngày 26/6/2019, bị cáo L.M.T. bị bắt tạm giam. Tại Cơ quan Công an, T. không khai nhận hành vi giao cấu với cháu N. nhiều lần. Bị cáo T. khai nhận chỉ giao cấu với cháu N. một lần vào ngày 6/4/2019 và do cháu N. tự nguyện.
Trong vụ án này, TAND TP.HCM trước đó đã hai lần trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung. Theo Viện KSND TP.HCM: Mặc dù tại phiên tòa ngày 21/9/2020, bị cáo L.M.T. không khai nhận có hành vi giao cấu với cháu N. nhiều lần. Nhưng căn cứ vào Biên bản làm việc, Biên bản tự khai, Biên bản ghi lời khai tại Công an xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi và tại Cơ quan CSĐT Công an H.Củ Chi, Viện KSND TP.HCM đủ căn cứ xác định từ tháng 6/2016 đến cuối năm 2017, T. đã nhiều lần giao cấu với cháu N. khi N. dưới 13 tuổi; từ năm 2018 đến ngày 6/4/2019, T. nhiều lần giao cấu với cháu N. khi N. dưới 16 tuổi. Do đó không có cơ sở thực nghiệm lại hiện trường vụ án.
Theo anh H., trong thời gian chờ tòa ra bản án, gia đình anh bị xóm giềng soi mói, lời ra tiếng vào vô cùng mệt mỏi. Nhất là con gái anh tinh thần suy sụp, học hành sa sút. Về phần anh kể từ khi theo vụ án đến nay thì sức khỏe cũng lao dốc dẫn đến bị tai biến teo một bên chân nên đi lại rất khó khăn ...
Người cha nghẹn ngào nói: “Hai lần tòa triệu tập rồi trả hồ sơ, tối về đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ được, cứ mỏi mòn chờ đợi một bản án. Bây giờ tôi chỉ mong tòa sớm đưa ra bản án, xử đúng người đúng pháp luật để xóm giềng ngưng miệt thị, soi mói gia đình tôi. Gần hai năm qua, những điều đó là quá đủ rồi... Hai năm qua, cuộc sống gia đình tôi bị xáo trộn rất nhiều. Tôi muốn “sinh” con gái mình ra lần thứ hai, ở một nơi khác bình yên hơn”…
Còn tại phiên tòa giả định Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Tòa án Nhân dân tối cao vừa qua, vở kịch đưa ra tình tiết một cô gái đi xuất khẩu lao động thời đại dịch. Gia đình tốn kém hàng trăm triệu vay mượn cho con đi rồi thất nghiệp. Nên khi được một ông Giám đốc hẹn tới khách sạn phỏng vấn cô đã đồng tình.
Thế nhưng, đó là màn hiểu ngầm “đổi tình” lấy việc. Cô gái chống cự và sau đó đã kiện ông Giám đốc tội hiếp dâm. Tại tòa, nạn nhân gần như đã trở thành tội đồ bởi tại cô “ trắng trẻo, xinh gái”, tưởng cô đến khách sạn là “đồng ý”, rằng con gái có chống cự cũng là bình thường bởi “nói không là có”…
Một nghiên cứu của Liên Hợp quốc đã chỉ ra rằng phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp ở Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận công lý, một phần là do thái độ và hành vi phân biệt đối xử.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã rà soát tổng cộng 290 hồ sơ vụ án của cảnh sát hoặc toà án và phỏng vấn 213 người bao gồm các quan chức chính phủ, nhân viên tư pháp, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà cung cấp dịch vụ cho những nạn nhân sống sót.
Phát hiện của nghiên cứu cho thấy, trong đa số các trường hợp, nạn nhân và nghi phạm quen biết nhau. Đa số các vụ việc không được lưu hồ sơ hoặc tài liệu hóa ghi nhận về thương tích về thể chất và xảy ra tại những nơi riêng tư. Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị hiếp dâm, thì nghiên cứu cho thấy một số cán bộ làm công tác tư pháp ở cả hai nước có quan niệm cỗ hữu về việc thế nào mới được coi là nạn nhân hiếp dâm. Ví dụ, họ cho rằng nạn nhân phải thể hiện sự sợ hãi, bất lực hoặc những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Những nạn nhân kể lại kinh nghiệm của họ một cách bình tĩnh được cho là không đáng tin cậy.
Thêm nữa, phụ nữ thường bị đổ lỗi vì những lý do khác nhau, từ việc họ làm gái mại dâm, đến ăn mặc khiêu khích, đi chơi khuya với đàn ông, hoặc thậm chí chỉ là đi xe buýt một mình vào ban đêm.
Từ phân tích hồ sơ vụ án, nghiên cứu này cũng cho thấy các nạn nhân thường phải kể đi kể lại vụ việc nhiều lần. Điều này khiến cho họ cảm thấy bị làm nhục, làm trầm trọng thêm những sang chấn về tâm lý và tăng thêm khả năng muốn bỏ cuộc của nạn nhân.
Công bằng hay đổ lỗi cho nạn nhân?
Trước thực tế trên, TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao chia sẻ: Cần phải có đội ngũ điều tra viên thân thiện, phòng điều tra thân thiện, phòng xử thân thiện và thẩm phán chuyên trách. Đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần có sự nhạy cảm, phát hiện kịp thời nạn nhân hoặc mẹ nạn nhân cần được hỗ trợ, giúp đỡ hoặc đang bị đe dọa hay mua chuộc, có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý. Đặc biệt là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cần sự bản lĩnh đối với việc xác định và bảo vệ chứng cứ khách quan để buộc tội trong các vụ án bị cáo không nhận tội, không có người làm chứng... Đồng thời cần có một quy trình thủ tục tố tụng riêng biệt nhằm rút ngắn thời hạn điều tra truy tố xét xử các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em so với quy trình tố tụng các vụ án bình thường.
Bé gái 13 tuổi trong một vụ hiếp dâm tại Cà Mau đã để lại thư tuyệt mệnh trước khi tự tử |
Cũng vừa qua, Sổ tay “Thẩm phán hướng dẫn xét xử vụ án hình sự về các tội liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em” do TS Lương Ngọc Trâm và các đồng nghiệp ra mắt góp phần nâng cao công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong ngành Tòa án nói riêng và các ban ngành khác liên quan. Cuốn sổ tay do Cơ quan phòng chống tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao công bố.
Theo đó, với thẩm quyền tố tụng của mình, các Thẩm phán có khả năng đảm bảo rằng nạn nhân không bị trở thành nạn nhân một lần nữa hoặc trở thành nạn nhân gián tiếp của hệ thống tư pháp. Thẩm phán cũng là những người coi trọng nạn nhân và nhận thức được những thách thức, khó khăn của việc trải qua quá trình tố tụng thậm chí cả sự hủy hoại về danh tiếng, uy tín của nạn nhân khi những tổn thương mang tính riêng tư nhất, những đặc điểm và hành vi của họ được đem ra bàn tán công khai.
Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa nên có thể kiểm soát diễn biến phiên tòa, giải quyết các định kiến dẫn đến đổ lỗi cho nạn nhân, không tin tưởng hoặc thiếu niềm tin vào câu chuyện của nạn nhân và cuối cùng là phán xét nạn nhân. Là người phán xử, Thẩm phán có quyền và trách nhiệm bảo vệ những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực, trừng trị thủ phạm/người gây bạo lực và đưa ra một thông điệp với công chúng rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là không thể được dung tha.
Mặc dù cả nam giới trưởng thành và trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực tình dục, nhưng trên thực tế là phần lớn nạn nhân của bạo lực tình dục và bạo lực do chồng/ bạn tình gây ra là nữ và hầu hết thủ phạm/người gây bạo lực là nam. Số tay chú trọng đến khía cạnh giới của bạo lực. Cuốn sổ tay này cũng sẽ có những lưu ý đối với trẻ em gái trong các nội dung có liên quan đến vị thế là trẻ em của các em, phù hợp với các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế, đảm bảo răng các em không bị đối xử như phụ nữ trưởng thành.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Quyền được đối xử phẩm giá và sự tôn trọng của nạn nhân là phụ nữ và trẻ em
“Tòa án là cơ quan tư pháp thực thi công lý, bảo vệ quyền con người và đảm bảo rằng các quy định của pháp luật trong đó các nội dung liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới được áp dụng hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tòa án cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng, quyền bào chữa của bị can, bị cáo không làm ảnh hưởng tới quyền được đối xử phẩm giá và sự tôn trọng của nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.”
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam nhấn mạnh: Không tác động tiêu cực đến nạn nhân trong cả lời nói và hành động!
“Yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chỉ cần phải xét xử, giải quyết các vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định để bảo vệ tốt nhất phụ nữ và trẻ em. Quan trọng hơn, trong quá trình tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải có nhận thức về giới, nhạy cảm giới và trách nhiệm giới, góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em trong cả lời nói lẫn hành động!”.