Chuyện dài vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa qua, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2023 (Nghị định 131) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mức phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe

Một thực trạng tồn tại khá phổ biến thời gian qua, đó là vấn nạn vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, sách, hội họa... Bên cạnh đó, những thách thức xâm phạm bản quyền trên không gian mạng càng đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay bảo vệ bản quyền.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định, sau 10 năm thực hiện, Nghị định số 131 đã góp phần quan trọng giúp cơ quan thực thi pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng thực thi, ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan từ các cơ quan, đơn vị sử dụng tác phẩm nói riêng và từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh khi khai thác, sử dụng tác phẩm.

Qua 10 năm triển khai, Nghị định đã tích cực thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng đó, góp phần thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài nước sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị.

Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã tiến hành 534 cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan kết hợp với các lĩnh vực văn hoá theo thẩm quyền như điện ảnh, nghệ thuật, biểu diễn (cuộc thi người đẹp), nhiếp ảnh… Xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131 là 12,8 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại trong nhà hàng, cửa hàng siêu thị, cơ sở kinh doanh karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định…

Tại TP HCM, số lượng vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính theo hành vi sử dụng bản ghi âm ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chiếm 98,4% tổng số vụ việc bị xử lý. Trong đó xử phạt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông… là 28,3%.

Bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ, có những vụ việc bản quyền dân sự kéo dài tới 10 - 12 năm. Trình tự thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan tại toà án nhiều khi phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc, khó đáp ứng được yêu cầu nhanh, chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, mức phạt hành chính đã phần nào bộc lộ hạn chế.

Theo bà Kim Oanh, Nghị định quy định mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, không căn cứ vào giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu. Chưa có sự phân loại theo đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính răn đe, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số. Đơn cử: Hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả với hình phạt áp dụng là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân. Do đó, không có hình phạt bổ sung là chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt với các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở các lĩnh vực như website, app, media...

Chưa kể, cùng với sự phát triển của xã hội, hành vi xâm phạm quyền tác giả liên quan trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý: cá nhân, tổ chức cung cấp xuyên biên giới, sử dụng tên miền quốc tế, dùng máy chủ ở nước ngoài… Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cung cấp chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Bên vi phạm không đến, tìm lý do trì hoãn, kéo dài thời gian, không đủ căn cứ, chứng cứ để xử lý theo quy định.

Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam lấy dẫn chứng Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định 131 quy định xử phạt hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định với mức phạt cá nhân là từ 5 - 10 triệu đồng, với tổ chức là 10 - 20 triệu đồng.

Đây là mức phạt quá thấp so với quy mô và doanh thu các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỉ đến hàng chục tỉ). Và cũng nhỏ hơn so với giá trị tiền nhuận bút mà các đơn vị né tránh, không trả cho tác giả. Lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Cần ban hành Nghị định mới, tăng cường xử lý vi phạm hành chính

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam hiện nay đại diện cho hơn 5.000 tác giả âm nhạc Việt Nam và hơn 4 triệu tác giả âm nhạc quốc tế, là một trong những đối tượng chịu sự tác động của Nghị định số 131. Đại diện Trung tâm này đề nghị ngoài tăng mức phạt cần có hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả để răn đe tình trạng công khai xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan như hiện nay.

Hiện nay, những sửa đổi, bổ sung về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và giới hạn quyền sở hữu trí tuệ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 chưa được quy định tại Nghị định.

Theo đó, về mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định - Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhìn chung còn ở mức thấp.

Bà Kim Oanh cũng cho rằng, việc phân định thẩm quyền xử phạt giữa các lực lượng có thẩm quyền xử phạt các ngành, lĩnh vực có liên quan đối với từng hành vi cụ thể còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo đó, thẩm quyền xử phạt trong một số trường hợp không giao cho cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn. Ví dụ: hành vi vi phạm quy định về đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan, trong đó phổ biến là kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan… Do đó, để xử lý cần chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến giảm tính tức thời răn đe, giáo dục, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan.

Bà Nguyễn Thị Lựu, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nêu, những năm gần đây, số vụ việc vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn mà Trung tâm phát hiện, ghi nhận lên tới hàng trăm. Theo bà Lựu, nguyên nhân là một số quy định pháp luật hiện nay đang có những điểm chưa phù hợp trong việc bảo vệ quyền tác giả...

Đại diện Sở VH,T&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại địa phương vẫn tồn tại việc một số tổ chức, cá nhân chưa thực sự có ý thức chấp hành tốt quy định pháp luật, còn né tránh thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, việc thu phí bản quyền đang gây bức xúc cho các cơ sở kinh doanh karaoke vì chưa rõ cơ sở xác định mức phí bản quyền là theo bài hát sử dụng hay theo đầu máy karaoke. Trong khi có thực trạng là nhiều bài hát trong đầu máy karaoke không được khách hàng sử dụng. Chưa kể, nhiều cơ sở kinh doanh đã sử dụng các bài hát lấy từ mạng internet nên không có cơ sở để tính thu bản quyền tác giả, gây thất thoát trong việc thu phí tác quyền.

Thanh tra Bộ VH,TT&DL kiến nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP. Bởi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 có nhiều thay đổi. Do đó, cần bổ sung thủ tục xử phạt đối với những hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời cần tăng mức phạt được quy định trong Điều 225 Bộ luật Hình sự.

Thêm nữa, cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc xin lỗi tác giả, người biểu diễn” đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, quyền nhân thân của người biểu diễn… Do đó, cần rà soát thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số chức danh thanh tra, sẽ có sự thay đổi sau khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết thêm, ngày 16/6/2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó có các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt có các quy định về bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số. Đây cũng là một điểm mới, đó là trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian đã được đưa vào các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Để hoàn thiện hành lang pháp lý trong nước thì song song đó, Việt Nam đã tham gia vào hai hiệp ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường internet của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới là WCT (có hiệu lực thi hành từ ngày 17/2/2022) và WPPT (có hiệu lực từ 1/7/2022). Đây là các nghĩa vụ cam kết về bản quyền trên khuôn khổ thế giới… Chính phủ đã giao Bộ VH,TT&DL chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có các nội dung về trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian”…

Đọc thêm