Chuyển đổi cơ cấu kinh tế: Đang có sự mất cân bằng giữa kinh tế trong nước với khu vực FDI

(PLVN) - Đây là một trong những tồn tại lớn nhất trong quá trình cơ cấu nền kinh tế mà TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TW (CIEM) đã chỉ ra. 
Các chuyên gia Aus4Reform ghi nhận ý kiến tại  Hội thảo
Các chuyên gia Aus4Reform ghi nhận ý kiến tại Hội thảo

Theo ông Cung, điều này không có nghĩa là ngăn chặn khu vực FDI mà phải phát triển nhanh hơn, quy mô lớn hơn khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân…

Trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), sáng nay, 17/9, CIEM đã công bố báo cáo nghiên cứu “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020”.

Nền kinh tế đang phụ thuộc vào FDI

Không có nhiều điểm mới so với các báo cáo công bố trước đó, song điểm nhấn của báo cáo này được nhiều chuyên gia quan tâm chính là chi tiết chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế đang diễn ra nhanh theo hướng mất cân bằng hơn giữa kinh tế trong nước và FDI.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra, trong giai đoạn 2011 - 2018, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)  có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác; hệ quả là tỷ trọng hai thành phần kinh tế nói trên trong nền kinh tế cũng tăng lên.

Kinh tế tư nhân tăng trung bình hàng năm cả giai đoạn hơn 9,1% (từ 2016 luôn tăng trưởng khoảng 12%/năm), do đó, tỷ trọng kinh tế tư nhân/GDP tăng từ 7,34% năm 2011 lên 9,10% năm 2018 (tăng 1,76%).

Kinh tế FDI tăng trung bình hàng năm 9,57%, và do đó, tỷ trọng khu vực FDI/GDP tăng từ 16,66% năm 2011 lên 20,28% năm 2018 (tăng 3,62%). Trong khi đó, tỷ trọng của kinh tế nhà nước giảm từ khoảng 29% năm 2011 xuống còn 27,67% năm 2018 (giảm 1,54%). 

Về xuất khẩu, từ 2011, kim ngạch xuất khẩu nước ta luôn tăng khá cao, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực FDI; trong khi xuất khẩu của khu vực này tăng bình quân hàng năm 22,7% thì xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ tăng 8,8%.

Khu vực FDI ngày càng chiếm vai trò quan trọng; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI liên tục tăng từ 51% năm 2011 lên 70% năm 2018. Tương ứng, tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế trong nước giảm từ 49% xuống còn 30% trong cùng thời kỳ…

“Rõ ràng khu vực FDI đang mở rộng nhanh chóng và có vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Sự gia tăng nhanh chóng của khu vực FDI không chỉ làm cho nền kinh tế nước ta trở nên phụ thuộc nhiều hơn, dễ bị tổn thương hơn từ bên ngoài, mà còn làm tăng số thu nhập chuyển ra bên ngoài, giảm phần thu nhập quốc gia của nước ta…”- Nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét.

Tuy nhiên, ông Cung khẳng định điều này không có nghĩa ngăn chặn khu vực FDI mà phải phát triển nhanh hơn, quy mô lớn hơn khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời làm khu vực kinh tế nhà nước năng động hơn, nhanh hơn, cạnh tranh hơn…

“Xem xét cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng của các thành phần kinh tế, thì dư địa tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế còn rất lớn. Tăng trưởng kinh tế có thể tăng cao hơn nhờ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực kinh tế nhà nước, chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước, chuyển dịch khu vực hộ cá thể sang kinh tế tư nhân, …”- Chuyên gia này kỳ vọng.

Khu vực kinh tế trong nước muốn được bình đẳng với FDI

Đồng tình với nghiên cứu của CIEM về sự mất cân đối giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng cần phải áp dụng một vài thước đo mới về tăng trưởng, ví dụ giá trị gia tăng Việt Nam tạo được trong khu vực FDI là bao nhiêu?

“Có nước không mở rộng FDI nhưng tăng trưởng cao, họ hưởng lợi nhiều nhất nhờ cung cấp đầu vào cho khu vực FDI. Ví dụ Trung Quốc, có phải làm gì đâu mà hưởng lợi nhiều, trong khi ở ta, gánh nặng mở rộng thị trưởng đè nặng lên khối kinh tế trong nước…”, bà Lan dẫn chứng.

Đồng tình với việc phải phát triển khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, chuyên gia này đặt vấn đề: Nguyên nhân khu vực kinh tế tư nhân kém hơn khu vực FDI là do đâu?. 

“Chúng ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa tự do hóa, nhưng chủ yếu thực hiện cho đối tác nước ngoài, chứ bên trong, càng tháo gỡ càng khó khăn, gỡ được cái này thì mắc cái khác, bãi bỏ điều kiện kinh doanh thì quy 5 điều kiện thành 1 điều kiện nhưng khắc nghiệp hơn… Chúng ta chỉ thông thoáng cho bên ngoài, tư duy phụ thuộc vào bên ngoài vẫn quá nặng nề, sẵn sàng tự do hóa bên ngoài mà bên trong thì không, thậm chí trói buộc hơn…”, bà Lan thẳng thắn.

“Nếu hướng ngoại vẫn tiếp tục là một yêu cầu không thể thiếu đối với phát triển kinh tế đất nước, thì xây dựng khu vực kinh tế trong nước trở nên cạnh tranh hơn, hướng ngoại và chủ động hội nhập hơn đã và đang trở thành yếu tố quyết định…”, TS Nguyễn Đình Cung quả quyết.

Đọc thêm