Chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái gặp nhiều vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được đề cập trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP (NĐ 35) quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT), Chính phủ cũng đồng ý với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới. Tuy nhiên, thực tế triển khai KCN sinh thái đang gặp nhiều vướng mắc.
KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư FDI. (Ảnh: KCN Nam Cầu Kiền/Vietnam+)
KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư FDI. (Ảnh: KCN Nam Cầu Kiền/Vietnam+)

Xu thế tất yếu

Khoản 5 Điều 2 NĐ 35 định nghĩa “KCN sinh thái là KCN, trong đó có doanh nghiệp (DN) trong KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này…”.

Theo Luật sư Bùi Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), việc phát triển các KCN là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. “Việt Nam đã hình thành một hệ thống các KCN có mặt trên 61 tỉnh, thành trong cả nước với 414 KCN. Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Nhưng với xu thế phát triển mới, các mô hình tổ chức kinh tế theo lãnh thổ như đang có sự thay đổi về mục tiêu phát triển và Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Theo đó, việc xây dựng KCN xanh và chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN xanh đã trở thành nhu cầu cấp thiết để thích ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới…” - Luật sư Thành khẳng định.

Trước đó, tại Hội thảo “Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện” do Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vào tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng đang gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường (BVMT) và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT còn hạn chế.

Thứ trưởng cũng khẳng định, việc phát triển KCN, KKT cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu đầy thách thức

Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái…

Trao đổi với PLVN, Luật sư Bùi Văn Thành cho rằng đây là mục tiêu rất thách thức bởi đến nay nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.

Đơn cử như, theo quy định của Luật BVMT, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì DN mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN. “Vậy khi DN vào KCN sinh thái, theo NĐ 35, DN phải tham gia vào hoạt động sản xuất “sạch hơn”. Vậy “sạch hơn” là gì, phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?…” - Luật sư Thành nêu ví dụ.

NĐ 35 cũng đề cập đến việc tương tác giữa các DN trong KCN sinh thái để làm sao sử dụng hiệu quả nguyên liệu, phế liệu, phế thải và xử lý chất thải. Nhưng chưa có chế định nào để DN nghiên cứu và vận dụng.

Hay như quy định xây dựng KCN phải có trong quy hoạch. Nhưng trong Luật Quy hoạch, phần về quy hoạch vùng, điểm tên rất nhiều, từ hệ thống đô thị, nông thôn; KKT; KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao (KCNC); khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao và cả bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… nhưng lại không đề cập đến KCN sinh thái, không quy định về KCNC.

“Như vậy, khi DN xin chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập KCNC, KCN sinh thái thì sao? Có phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng đã được phê duyệt không?”- Luật sư Thành nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước.

“Cho đến nay, thể chế, chính sách về KCN hiện chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ. Cần sớm có hướng dẫn thực hiện NĐ 35 một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Các quy định pháp luật liên quan cũng phải thay đổi để cập nhật thêm các ưu đãi cho từng loại hình KCN chuyên sâu, như các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan…” - Luật sư Thành nói.

Ngoài ra, câu chuyện vốn cho xây dựng cũng như chuyển đổi sang KCN sinh thái cũng là vấn đề đáng chú ý khi chi phí triển khai các mô hình sinh thái rất tốn kém. Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) - TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế, Chủ tịch lâm thời VIPFA khẳng định, xu thế hiện nay là KCN sinh thái và KCN tuần hoàn. “VIPFA sẽ kết nối DN với các quỹ đầu tư, tìm các nhà đầu tư tiềm năng để phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng KCN đang thiếu vốn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KCN sinh thái” - TS Thắng quả quyết.

Đọc thêm