Chuyển đổi sang nền kinh tế số: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

(PLO) - Bài học nhãn tiền chính là chuyện taxi truyền thống đang vật lộn khốn khổ như thế nào với Uber, Grab. Nhưng taxi không phải là lĩnh vực duy nhất phải chống chọi với thời đại kinh tế số này… 
Đứng trước xu hướng chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc
Đứng trước xu hướng chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc

Lựa chọn tham gia hay là… chết?

Bằng rất nhiều hình thức cạnh tranh khác nhau, từ trưng đề can “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nền tài chính quốc gia” đến dán biểu ngữ “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì có quá nhiều bất cập về điều kiện kinh doanh”, các hãng taxi truyền thống đang cho thấy họ đã phải có một cuộc chiến không cân sức với Uber, Grab. 

Cho dù chủ các hãng taxi luôn khẳng định họ không chủ trương dán đề can, biểu ngữ công khai phản đối nhưng hiện tượng nêu trên cũng cho thấy, dường như… cửa cạnh tranh của taxi truyền thống với taxi công nghệ đã quá hẹp. Đây chính là hiện tượng nhìn thấy rõ nhất của câu chuyện chuyển đổi sang sử dụng công nghệ hay là chết mà rất nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đã nhìn thấy gần đây.  

Câu chuyện thuế liên quan đến Uber, Grab cũng được bàn tán nhiều nhưng gần đây, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính đã khẳng định không có chuyện Uber, Grab được đóng thuế ít hơn so với taxi truyền thống. Bộ Công Thương cũng đã từng khẳng định, các chương trình khuyến mãi liên tục của Uber, Grab đều không vi phạm Luật Cạnh tranh. 

Với sự cạnh tranh khá lành mạnh mà các hãng taxi truyền thống đã sống dở, chết dở thì chuyện cạnh tranh không lành mạnh sẽ đưa các doanh nghiệp đến vực thẳm nào?  Đây chính là vấn đề mà ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HG đã đặt ra với các nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo ông Đức, khi phải chuyển đổi sang xu hướng công nghệ, trực tuyến, các doanh nghiệp Việt phải đối đầu với rất nhiều thách thức, nhất là trong vấn đề cạnh tranh lành mạnh hay không lành mạnh.  

Ông Đức cho biết, Tập đoàn HG đã có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, được đánh giá là một trong số 10 công ty du lịch lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm HG đón hơn 100 nghìn khách quốc tế vào Việt Nam, mang về cho Việt Nam số ngoại tệ không nhỏ với hơn 50 triệu USD. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng chuyển đổi công nghệ trên toàn cầu, HG buộc lựa chọn tham gia vào cuộc chơi, buộc phải chuyển đổi cơ cấu công việc. 

Để cuộc chơi trên thế giới phẳng… sòng phẳng

Ông Ngô Minh Đức chia sẻ, là doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức truyền thống, dù vẫn làm chủ được cuộc chơi truyền thông nhưng do sớm nhận thức được xu hướng đi của thế giới nên ông đã lên kế hoạch bước vào cuộc chơi trong thế giới phẳng.  

Bước những bước chuyển đổi đầu tiên, từ cơ cấu offline sang làm bằng máy, công nghệ cao, HG hay bất cứ một DN nào khác cũng sẽ gặp phải thách thức vô cùng to lớn là phạm vi cạnh tranh ở mức… toàn cầu, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là “cạnh tranh với những người khổng lồ”. Rồi phải chuyển đổi mạnh mẽ bằng công nghệ cao, từ một công ty du lịch thành một công ty công nghệ với hơn 50 kỹ sư công nghệ đang làm việc. 

Du lịch trực tuyến đã có từ rất lâu, các DN lớn đều đã tham chiến từ hàng chục năm nay. 90% thị phần du lịch trực tuyến hiện này đang rơi vào tay các DN  quốc tế như Agoda, Booking, Expedia, Traveloka. Họ hơn các DN Việt Nam ở kinh nghiệm, khoảng cách tài chính giữa các DN quốc tế và DN Việt Nam cũng rất lớn. Cộng thêm rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự cạnh tranh không bình đẳng.

Ông Đức cho rằng, khi tham gia vào cuộc chơi ở thế giới phẳng, các DN Việt Nam chịu thiệt thòi ngay từ… sân nhà, bởi các DN quốc tế không phải nộp thuế, trong khi các DN Việt phải nộp thuế, phải báo cáo thuế hàng quý, chịu thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể việc các DN quốc tế có tiềm lực tài chính, “bao” thị trường bằng các chương trình khuyến mãi lớn mà các DN Việt không thể đủ tiềm lực để… lao theo.  

Ông Nguyễn Duy Quý, Giám đốc điều hành Tập đoàn Internet NOVAON cũng đồng quan điểm khi cho biết, bước vào cuộc chơi toàn cầu, DN cũng gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục hành chính ở Việt Nam. DN của ông Quý đã trở thành đối tác cao cấp của “người khổng lồ” Google ở sân chơi Đông Nam Á (Việt Nam, Singaporre, Indonesia, Thái Lan và Philippines) với một quan điểm rất rõ ràng: “Ở bất kỳ một thị trường nào cũng có một mảng thị trường rỗng để chúng ta có thể chiếm dụng”. 

Tuy nhiên, điều mà vị này cho là mất lợi thế cạnh tranh ngay từ sân nhà chính là việc hoàn thành thủ tục hành chính.  Ông Quý cho biết, trong khi đã hoàn thành đầu tư và xin phép đầu tư xong ở Indonesia thì công ty ông lại gặp trục trặc ngay trên sân nhà khi “vẫn chưa xin được giấy phép sang Indonesia”. Chủ DN này đùa “Nước bạn đồng ý đón khách rồi mà tôi vẫn chưa xin được giấy phép đi”. 

Rõ ràng trong cuộc chơi toàn cầu này, ngoài việc phải cạnh tranh với những người khổng lồ trong thế giới phẳng, các doanh nghiệp Việt đang khá vướng mắc bởi những vấn đề thủ tục hành chính, điều mà họ không thể chủ động. Đây chính là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải để ý để tạo cho các DN Việt lợi thế cạnh tranh, ít nhất là trên sân nhà. 

Đọc thêm