“Cuộc chơi” không của riêng ai…
CĐS là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Đầu năm nay, anh Hoài (Hà Nội), chủ một phòng khám nha khoa vừa quyết định mở một phòng khám mới. Không chỉ sắm toàn bộ máy móc hiện đại, anh quyết định đầu tư cả phần mềm quản lý từ khi khách bước vào phòng khám được máy móc nhận diện phát số đến khi khách ra khỏi phòng khám, hẹn lịch đều được phần mềm ghi lại.
Công việc đơn giản mà chính xác, tiện lợi, giảm được nhân lực. Sau 1 tháng hoạt động, so với phòng khám cũ vẫn đang hoạt động song song, hiệu quả hơn hẳn… Anh Hoài dự kiến sẽ đầu tư phòng khám cũ và với phần mềm quán lý mới có thể kết nối thông tin dữ liệu và khách hàng có thể lựa chọn phòng khám mà không cần phải đến đúng phòng khám ban đầu...
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2019, quá trình CĐS cùng với đổi mới chiến lược kinh doanh và tăng cường trải nghiệm khách hàng sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trước.
“CĐS không chỉ còn là lựa chọn cho các DN, tổ chức nữa mà là điều cần thiết buộc các DN phải chuyển sang các cách thức kinh doanh mới trong kỷ nguyên 4.0. Điều quan trọng cần lưu ý là CĐS đề cập đến những thay đổi trong đổi mới sản phẩm, tập trung vào trải nghiệm phân phối, vận chuyển đến người tiêu dùng và tái cấu trúc nội bộ các hoạt động kinh doanh và văn hóa công ty…”, chuyên gia của Vietnam Report bình luận.
Cũng theo chuyên gia, có ba yếu tố có thể sẽ tạo thành rào cản, đó là: công nghệ, chiến lược và văn hoá. Trước đây, kinh doanh yêu cầu thu thập các số liệu về người dùng và sử dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các công việc kinh doanh, công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thuần túy. Nhưng trong kỷ nguyên số hóa ngày nay, công nghệ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, những chiến lược mới. Nó không chỉ hỗ trợ kinh doanh, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh…
Một nghiên cứu gần đây nhất của Vietnam Report cho thấy, trở ngại văn hóa lớn nhất khi chuyển đổi kỹ thuật số trong các tổ chức, DN đó là: rủi ro an ninh mạng, thiếu lao động có kỹ năng, thiếu chính sách-quy định pháp luật hỗ trợ…
Lãnh đạo mới là “nhà dẫn dắt”
Không chỉ là cuộc chơi về công nghệ, CĐS còn là quá trình thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và mọi người trong DN, tổ chức. Lãnh đạo DN cần thay đổi suy nghĩ của mình để có một chiến lược kinh doanh công nghệ số hiệu quả, tạo ra những trải nghiệm ban đầu và lồng ghép những trải nghiệm đó vào trong quy trình chiến lược phát triển DN.
Cùng với đó, một lực lượng lao động cần đào tạo thích hợp và luôn có các cơ hội học tập liên tục để trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để tối đa hóa tác động của CĐS, tăng cường công tác an ninh mạng, trau dồi kỹ năng về công nghệ… Các nhà lãnh đạo tổ chức phải truyền đạt liên tục, rõ ràng những kỳ vọng về trách nhiệm và nhiệm vụ của nhân viên để giảm thiểu sự gián đoạn.
“Khi chúng ta nói về thay đổi công nghệ - cho dù đó là internet của mọi thứ, dữ liệu lớn hay máy học – thì vấn đề thực sự vẫn là con người và văn hóa tổ chức sẽ tạo ra những kết quả khác nhau và tốt hơn bằng cách sử dụng các công nghệ này. Chúng ta cần bắt đầu tập trung vào con người vì bất kỳ thay đổi công nghệ nào cũng sẽ kích hoạt và yêu cầu chuyển đổi nhóm, tổ chức và văn hóa xã hội.”, TS. David Bray - Giám đốc điều hành People - Centered Internet (PCI) khẳng định.
Với CĐS, mọi vị trí trong DN, tổ chức đều có thể sáng tạo và một cải tiến nhỏ có thể mang lại giá trị lớn. Trong đó, lãnh đạo tiếp quản công việc quản lý cho quá trình CĐS, nghĩa là truyền đạt tầm nhìn, sứ mệnh và lộ trình, tập hợp đội ngũ các tác nhân thay đổi, bảo vệ sáng kiến và đảm bảo tiến trình. TS. Bray nhấn mạnh rằng “các nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ lắng nghe, học hỏi và giúp đỡ chia sẻ các mục tiêu và các câu chuyện để mang các nhóm người khác nhau lại với nhau”.
Cũng theo TS. Bray, lãnh đạo có nhận thức đúng và đưa ra được chiến lược CĐS rõ ràng sẽ thành công, chứ không phải công nghệ dẫn dắt công cuộc chuyển đổi quan trọng này.