Chuyển đổi số trong Quân đội gắn với an toàn thông tin

(PLVN) - Chuyển đổi số trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một xu thế tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn là nhiệm vụ chiến lược, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Quân đội đã và đang triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm xây dựng lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu quốc phòng trong kỷ nguyên số.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ về CĐS và thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong Bộ Quốc phòng năm 2024. (Ảnh: mod.gov.vn)

Xu thế tất yếu

Đảng và Nhà nước ta đã xác định chuyển đổi số (CĐS) là quốc sách, là động lực then chốt để đất nước bứt phá và phát triển. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, CĐS đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, giúp Quân đội ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống và cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng.

Thực hiện chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về CĐS quốc gia, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quyết liệt thực hiện xây dựng, củng cố hạ tầng kết nối mạng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Các dấu mốc quan trọng phải kể tới: Ngày 15/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về “Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 02/9/2021, Bộ trưởng BQP ra Quyết định số 2960/QĐ-BQP về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chính phủ điện tử BQP, do đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng BQP làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng BQP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cải cách hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, CĐS trong BQP.

Ngày 04/11/2021, BQP ban hành Kế hoạch số 4396/KH-BQP về “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong BQP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Với những Quyết định, Kế hoạch mang tính chiến lược như trên có thể thấy sự quan tâm, chú trọng đặc biệt của Chính phủ nói chung, BQP nói riêng đối với công tác phát triển Chính phủ điện tử và CĐS gắn với phát triển của Quân đội và đất nước.

Đáng chú ý, ngày 6/3/2024, Hội nghị triển khai nhiệm vụ về CĐS và thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong BQP năm 2024, đã ban hành hệ thống các văn bản pháp lý quan trọng có tính định hướng giai đoạn và xây dựng bức tranh tổng thể về CĐS trong BQP.

“Phát triển hạ tầng số và nguồn nhân lực phục vụ CĐS”

Ngày CĐS quốc gia 10/10 năm 2024 tập trung vào chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Chủ đề CĐS năm 2024 trong BQP là “Mở rộng hạ tầng số đồng bộ, rộng khắp, sáng tạo ứng dụng số, tiếp tục phát triển dữ liệu số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ huy, quản lý, điều hành”. Trong đó, nội dung đột phá năm 2024 “Phát triển hạ tầng số và nguồn nhân lực phục vụ CĐS”.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại 4.0, đặt ra nhiều thách thức mới trên không gian mạng. (Ảnh: Shutterstock).

Một trong những thuận lợi lớn hiện nay, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, cùng với nhận thức ngày càng nâng cao về tầm quan trọng của CĐS trong đội ngũ cán bộ, đã tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi trong Quân đội. Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với Tập đoàn Viettel, Bộ Tư lệnh 86, các học viện, nhà trường và các đối tác khác để xây dựng các giải pháp phục vụ CĐS của ngành. Việc xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo các nghiệp vụ để phục vụ công tác quản lý, chỉ huy điều hành cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị.

Điển hình, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, điều hành về CĐS của Bộ Quốc phòng; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện chặt chẽ. Nhà trường tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong thực hiện CĐS; tổ chức tập huấn về CĐS cho các đối tượng; chủ động triển khai, mở rộng kết nối các máy tính ở các cơ quan, khoa, đơn vị vào mạng máy tính quân sự; tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành có sử dụng chữ ký số; trao đổi thông tin, dữ liệu trên phần mềm Hệ thông tin Chỉ đạo điều hành, Thư điện tử quân sự trên mạng máy tính quân sự phục vụ tốt công tác CĐS trong các hoạt động chỉ huy, quản lý, điều hành của nhà trường; Ban CNTT đã phối hợp với các khoa giáo viên triển khai xây dựng phần mềm, quản lý dữ liệu bài giảng số các môn học của các đối tượng học viên trên hệ thống mạng máy tính nội bộ nhà trường.

Cùng với phát triển hạ tầng mạng máy tính quân sự, ứng dụng CNTT, CĐS; Nhà trường quan tâm làm tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, khoa, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATTT, an ninh mạng; triển khai đầy đủ các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Tư lệnh 86.

Gắn với an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu

Dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình CĐS trong Quân đội vẫn gặp không ít thách thức. Đơn cử, thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin và an ninh mạng gây khó khăn cho việc triển khai CĐS. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu sự đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả của các ứng dụng và dịch vụ số. Sự không thống nhất trong biểu mẫu, danh mục và ký mã hiệu gây khó khăn trong việc chia sẻ và tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống. Ngoài ra, quản lý tài liệu mật theo nhiều cấp độ (mật, tuyệt mật, tối mật) đặt ra thách thức lớn trong việc số hóa và chia sẻ dữ liệu trong môi trường Quân đội.

Nhấn mạnh, việc xây dựng và vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT trong Quân đội phải gắn liền với việc bảo đảm ATTT và bảo mật dữ liệu. BQP đã ban hành các thông tư quy định về ATTT và bảo mật đối với tài liệu quân sự, máy tính, phần mềm và hệ thống mạng. Cụ thể, về quản lý tài liệu điện tử quân sự, tài liệu phải được soạn thảo và lưu trữ trên máy tính do đơn vị cấp, không sử dụng máy tính cá nhân. Tài liệu mật phải có giải pháp cơ yếu trong việc lưu trữ và truyền tải; việc xóa tài liệu mật phải sử dụng giải pháp xóa dữ liệu an toàn.

Về gửi và nhận tài liệu qua mạng, tài liệu điện tử quân sự không mật được gửi qua mạng máy tính quân sự và chỉ thực hiện qua các hệ thống ứng dụng, dịch vụ đã được kiểm tra ATTT và an ninh mạng. Tài liệu mật chỉ được chuyển qua mạng khi có giải pháp bảo mật cơ yếu. Đối với thiết bị và phần mềm, BQP đã có quy định cụ thể về bảo mật đối với máy tính, máy chủ, phần mềm và dịch vụ hoạt động trên mạng máy tính quân sự; quản lý, cung cấp và sử dụng mạng Internet. Những biện pháp này nhằm đảm bảo quá trình CĐS trong Quân đội diễn ra an toàn, hiệu quả, đồng thời bảo vệ thông tin và dữ liệu quan trọng của quốc gia.

CĐS trong Quân đội không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Việc đảm bảo ATTT và bảo mật dữ liệu đóng vai trò then chốt, giúp Quân đội ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống và cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và BQP, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.

Đọc thêm