Khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

(PLVN) -  9h hôm nay, 19/12, Triển lãm Quốc phòng quốc tế (QPQT) Việt Nam lần thứ hai năm 2024 chính thức khai mạc. Triển lãm được tổ chức nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; chia sẻ chính sách, đường lối đối ngoại quốc phòng; chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam.
Một số chủng loại xe tăng tại Triển lãm.
Một số chủng loại xe tăng tại Triển lãm.

Góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về CNQP

Tại Triển lãm, các doanh nghiệp (DN) quốc phòng trong nước và quốc tế trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng Hải quân, Lục quân, Phòng không - Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.

Có 56 đoàn khách quốc tế từ 36 quốc gia, gồm các đoàn cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng tham dự sự kiện. Bên lề Triển lãm, các chương trình giao lưu quân nhạc ASEAN, biểu diễn nghệ thuật và hội thảo chuyên đề về vũ khí công nghệ cao, thiết bị không người lái sẽ diễn ra.

Các sản phẩm của Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại triển lãm gồm các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng (BQP - gồm Tổng cục CNQP, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Binh chủng Tăng - thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel) và các công ty thương mại, dịch vụ của BQP nghiên cứu, chế tạo.

Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết, không chỉ tạo điều kiện để các quốc gia, DN trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác, triển lãm còn góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về CNQP, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang.

Một số sản phẩm của Tập đoàn Viettel.

Một số sản phẩm của Tập đoàn Viettel.

Triển lãm cũng là dịp để tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội; quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do CNQP Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và Nhân dân trong nước; tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm CNQP.

Viettel giới thiệu trên 80 sản phẩm

Triển lãm QPQT Việt Nam 2024 giới thiệu 68 chủng loại khí tài trang bị của QĐND Việt Nam, tăng 19 chủng loại so với năm 2022. Các sản phẩm CNQP trong nước sản xuất được nâng lên 468 sản phẩm, tăng 155 sản phẩm. Công nghệ trình chiếu hiện đại như 3D mapping, thực tế ảo (VR) và các mô hình sa bàn tái hiện các chiến dịch lớn như chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ mang đến trải nghiệm sống động và chân thực cho người tham quan. Triển lãm trên không gian mạng với màn hình tương tác và VR cũng được triển khai, giúp quốc tế hóa sự kiện và tiếp cận đông đảo người quan tâm.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME do Nga sản xuất. (Ảnh trong bài: Lam Hạnh)

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME do Nga sản xuất. (Ảnh trong bài: Lam Hạnh)

Các đối tác quốc tế từ các quốc gia có khả năng CNQP mạnh như Mỹ, Nga, Italia… đăng ký trưng bày các vũ khí, khí tài quân sự hiện đại như máy bay C130, tổ hợp chống UAV RB-504P-E và máy bay huấn luyện trên tổng diện tích hàng nghìn mét vuông. Hơn 140 Cty từ 28 quốc gia tham gia trưng bày trong nhà, vượt xa mục tiêu đặt ra ban đầu của Triển lãm.

Với tổng diện tích trưng bày 2.600m2, Viettel là đơn vị có diện tích trưng bày lớn nhất tại triển lãm. Tại đây, Viettel giới thiệu trên 80 sản phẩm trong lĩnh vực CNQP công nghệ cao thuộc 10 ngành gồm: Radar, khí tài quang - điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, UAV, khí tài hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và nhóm sản phẩm khác.

Máy bay vận tải quân sự hạng trung C-130J Super Hercules của Mỹ.

Máy bay vận tải quân sự hạng trung C-130J Super Hercules của Mỹ.

Số lượng sản phẩm trưng bày tại triển lãm lần này của Viettel tăng hơn 20 sản phẩm so với năm 2022. Nhiều sản phẩm Viettel phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming)…

Đọc thêm