Chuyển đổi số trong quản lý thuế thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự kiến trong tháng 11 này, Cổng thông tin điện tử cho các sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ chạy thử để hoạt động chính thức trong tháng 12/2022. Đây sẽ là nơi các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế.
Cổng TTĐT dành cho sàn TMĐT sẽ chính thức vận hành trong tháng 12/2022.
Cổng TTĐT dành cho sàn TMĐT sẽ chính thức vận hành trong tháng 12/2022.

Nhiều khó khăn, thách thức

Thời gian qua, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Theo xu hướng phát triển TMĐT sẽ có sự chuyển dịch doanh thu từ các giao dịch giữa doanh nghiệp (DN) đến người tiêu dùng, sang các giao dịch giữa các cá nhân với nhau.

Thực tế hiện nay có nhiều DN đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hoá, đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Theo Tổng cục Thuế, chính sự phát triển bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của TMĐT trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Đó là khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; Khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế; Khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh; Khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Đặc biệt, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tạo thuận lợi cho các sàn thương mại điện tử

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trên cơ sở Đề án quản lý thuế (QLT) đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Kế hoạch tổng thể triển khai đề án ban hành kèm Quyết định 2146/QĐ-TCT ngày 12/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kế hoạch chi tiết triển khai đề án kèm theo Quyết định 1741/QĐ-TCT ngày 29/11/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã hiện đại hoá công tác QLT; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, Sàn TMĐT,...) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân.

Thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn trong việc trong việc cung cấp thông tin, nhằm mục đích tối ưu hóa công tác QLT theo yêu cầu của QLT hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0, cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế đã triển khai xây dựng Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch TMĐT.

Cổng TTĐT là nơi các sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn theo hình thức điện tử. Tổng cục Thuế đã họp lấy ý kiến một số Cục Thuế, một số sàn giao dịch TMĐT và đã báo cáo Bộ về việc xây dựng Cổng TTĐT để tiếp nhận thông tin, dữ liệu từ các sàn TMĐT.

Tổng cục Thuế cho biết, hiện Cổng TTĐT này đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến vận hành, chạy thử trong tháng 11 để hoạt động chính thức trong tháng 12/2022.

Bộ Tài chính đã ký Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương để chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL), kết nối để khai thác thông tin, hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT; Đã ký Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin DN quảng cáo xuyên biên giới; danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; DN trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng chương trình làm việc với Bộ Công an để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL phục vụ công tác QLT; Đã xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước để triển khai các quy định về phối hợp cung cấp thông tin giữa 02 cơ quan đã được quy định trong Luật QLT. Tính đến ngày 3/5/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc nâng cấp ứng dụng tiếp nhận thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân từ 91 ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đọc thêm