Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh cho trẻ khi trời nồm ẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo dự báo, miền Bắc sẽ tiếp tục duy trì tình trạng ẩm ướt trong những ngày tới. Độ ẩm không khí quá cao, nền nhà, tường đều chảy nước, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển là những tác nhân khiến trẻ em đổ bệnh. Nếu trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Thời tiết nồm ẩm kéo dài, trẻ em rất dễ đổ bệnh.
Thời tiết nồm ẩm kéo dài, trẻ em rất dễ đổ bệnh.

Trẻ dễ chuyển bệnh nặng khi thời tiết nồm ẩm kéo dài

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi 12 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng li bì, khó thở, bỏ ăn, không uống được với chẩn đoán tiêu chảy cấp, mất nước nặng, biến chứng toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp.

Mẹ bệnh nhi cho biết: “1 ngày trước khi nhập viện, con sốt theo cơn, ăn kém, nôn nhiều ra thức ăn, tiêu chảy 5,6 lần/ngày. Gia đình cho uống thuốc và theo dõi tại nhà. Sau khi thấy con có biểu hiện mệt nhiều, chậm chạp, da xanh tái gia đình cho con nhập viện”.

Trẻ được các bác sĩ chẩn đoán tiêu chảy cấp nặng, toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp, rối loạn điện giải…, được điều trị hồi sức tích cực và thực hiện chế độ chăm sóc bệnh nhi cấp 1.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi có tiến triển tốt, tỉnh táo hơn, đỡ mệt, không nôn, không sốt... và được xuất viện sau đó 8 ngày.

Bác sĩ Đào Thị Loan - Phó Trưởng khoa Nhi bệnh viện cho biết: “Bệnh nhi này nhập viện với biểu hiện của tiêu chảy cấp, li bì, khó thở, bỏ ăn, không uống được, môi khô, mắt trũng, có diễn biến nhanh, tiên lượng rất nặng”.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo: Nếu trẻ mắc tiêu chảy phân lỏng không đỡ đồng thời quấy khóc nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ, khát, háo nước, mắt trũng cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, khi thời tiết ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, các gia đình nên thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh bề mặt đồ dùng trong gia đình, cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh Rotavirus...

Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết nồm ẩm

Theo các chuyên gia về bệnh nhi, nhóm bệnh chủ yếu ở trẻ thời điểm này là bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen, cảm, cúm… Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Do đó, việc giữ vệ sinh môi trường sống cho trẻ tránh nguy cơ mắc bệnh cần được quan tâm:

Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. Trong phòng cũng không nên sử dụng thảm trải sàn.

Nếu độ ẩm không khí tăng cao, hãy đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn khô thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà. Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc ở chăn ga có thể là dị nguyên gây bệnh cho trẻ.

Tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ mà phải sấy, là khô nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.

Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ… để tránh mọc nấm mốc không biết.

Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nên rất dễ nhiễm bệnh. Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra phản ứng cơ thế của trẻ. Trẻ cần được uống đủ nước và ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng, phòng bệnh.

Để bệnh không biến chứng nặng, các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở… các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh kịp thời với các bác sĩ chuyên khoa.

Trong quá trình điều trị cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức để kháng, vệ sinh mũi họng sạch sẽ tránh mầm bệnh còn lưu trong cơ thể lâu hơn. Ngoài ra, cần kiểm soát dấu hiệu bệnh nặng lên theo nhịp thở nhanh khi trẻ đang nằm yên, không khóc, không bú.

Cha mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho trẻ và tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh; đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để tạo miễn dịch cho trẻ và cần tránh tự ý sử dụng thuốc taminflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Đọc thêm